Niềm vui với những đối tượng bảo trợ xã hội

16:14, 01/01/2022

HĐND tỉnh vừa hoàn thành kỳ họp cuối năm với một khối lượng công việc khá đồ sộ: Thảo luận, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo; đồng thời thông qua một số chính sách góp phần bảo đảm tốt công tác an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được chia sẻ một số chính sách dành cho đối tượng bảo trợ xã hội.

Mặc dù chịu tác động bởi dịch Covid-19, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra: Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất.

Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 57.000 người thuộc diện được trợ cấp, trợ giúp xã hội. Công tác tham mưu xây dựng chính sách luôn được Ngành quan tâm. Trong năm 2021, Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 07 Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực Ngành quản lý, trong đó có những chính sách mang tính nhân văn cao như: Chính sách tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000đ/tháng lên 600.000đ/tháng đối với người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chính sách hỗ trợ hàng tháng đối với thành viên trong gia đình người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo với mức hỗ trợ bằng mức chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2021-2025 (đây là những đối tượng khó khăn không được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, được tỉnh mở rộng).

Cầm trên tay một số nghị quyết của HĐND về lĩnh vực công tác được giao, Ông Vũ Đức Quyết, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em và bình đẳng giới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho chúng tôi biết: Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 04/11/2021 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh có mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng đối với các đối tượng quy định theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 360.000đ/tháng, được thực hiện từ 01/7/2021 (trước đây là 270.000đ/ tháng).

Một số nghị quyết của HĐND tỉnh về công tác an sinh xã hội.

Ngoài ra, tỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng đối với các đối tượng là người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ 360.000đ/tháng lên 600.000đ/tháng; tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng đối với các đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở trợ giúp xã hội từ 360.000đ/tháng lên 500.000đ/tháng từ 01/01/2022. Hiện Thái Nguyên là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai chủ trương này theo chỉ đạo của Trung ương.

Cùng với Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND là các nghị quyết như: Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 quy định chế độ trợ cấp đặc thù đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của tỉnh với mức trợ cấp đặc thù là 1.300.000đ/tháng, cao hơn mức quy định trước đây; Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo và người thuộc hộ gia đình nghèo trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ tối đa là 30% mức đóng bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách tỉnh cho đối tượng; Nghị quyết số 26/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 quy định chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 với mức hỗ trợ khá cao (6 triệu, 5 triệu, 4,5 triệu và 3 triệu tùy theo từng đối tượng). Chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng là chính sách lần đầu tiên được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh chia sẻ: Thái Nguyên luôn quan tâm và thực hiện tốt các chính sách về công tác xã hội như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo, giảm tỷ lệ hộ nghèo, chăm sóc người có công với cách mạng và thân nhân, hoạt động đền ơn đáp nghĩa; chăm lo trợ giúp các đối tượng yếu thế, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em...

Để các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác “không bị bỏ lại phía sau”, từ nhiều năm nay, tỉnh đã có những chính sách quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần thông qua hỗ trợ về nhà ở, vốn vay phát triển sản xuất, đào tạo nghề... Tới đây, Ngành sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của HĐND tỉnh đã thông qua về lĩnh vực Ngành phụ trách; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đã ban hành đối với các đối tượng bảo trợ xã hội (người khuyết tật nặng, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người cao tuổi cô đơn không nguồn nuôi dưỡng…) được hưởng trợ cấp xã hội; tạo điều kiện về giáo dục, dạy nghề, tín dụng, tạo việc làm tăng thu nhập cho người khuyết tật và đối tượng hoà nhập cộng đồng, người khuyết tật là thế hệ thứ ba của người tham gia hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc hóa học.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với UBND tỉnh về những cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, góp sức tạo thế và lực mới để Thái Nguyên cất cánh trong giai đoạn cách mạng mới.