Hai phẩm chất quan trọng của người hữu ích là Tâm và Tài. Tâm là phẩm hạnh, Đức của con người. Tài là nền tảng văn hoá, tri thức. Tâm và Tài theo cách nói xưa và nay là Đạo và Đức về căn bản đồng nghĩa. Tuy vậy, Bác Hồ từng nói, đại ý: Có tài mà không có đức thì vô dụng… Nguyễn Du xưa thì cho rằng “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”…
Báo Chí Cách mạng Việt Nam đã ra đời 97 năm, đóng góp to lớn vào sự thành công của công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa – Hình thái chính trị xã hội hoàn toàn mới mẻ của lịch sử dân tộc mấy nghìn năm. Cho đến trước thời kỳ đổi mới, báo chí của chúng ta đã tập trung cổ động đấu tranh chống Pháp và Mỹ; Truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, xây dựng và cổ động mọi tầng lớp nhân dân xây dựng cuộc sống mới.
Đóng góp của báo chí là to lớn và hiệu quả. Cơ quan báo chí và nhà báo được tôn vinh, trân trọng trong trái tim và khối óc của các tầng lớp nhân dân. Đúng như lời dạy của Hồ Chủ Tịch: “ Nhà báo cũng là chiến sĩ, cây bút, trang giấy của họ là vũ khí đấu tranh với kẻ thù…”.
Cho đến năm 1986, cả nước có các cơ quan báo chí chủ lực: Báo Nhân Dân; Báo Quân đội nhân dân và Công an nhân dân của lực lượng vũ trang. Tờ báo của một số ngành Trung ương và mỗi tỉnh, thành phố có 1 tờ báo Đảng, tuần báo hoặc tuần 2, 3 kỳ báo; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam hoạt động theo chức năng và chuyên môn. Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản sự thật – các cơ quan lý luận của Đảng hoạt động tích cực, hiệu quả.
Ở mỗi tỉnh, thành phố còn có thêm một đài phát thanh cấp tỉnh và các đài truyền thanh cấp huyện, xã. Cơ quan báo chí hoạt động chủ yếu do ngân sách cấp; cán bộ, phóng viên làm việc theo chế độ hưởng lương ngân sách, một chút nhuận bút động viên tác giả và một nguồn thu nhỏ từ bán báo… Nhiệt huyết của ngòi bút hướng vào nhiệm vụ cách mạng giao, vẻ vang của báo chí là được đóng góp công sức cho nước, cho dân…
Năm 1986, đất nước đổi mới. Báo chí cũng từng bước đổi mới. Hoạt động kinh tế - xã hội cần đến sự giúp đỡ của báo chí, đặc biệt trong hoạt động kinh tế. Báo chí cũng cần sự giúp đỡ của cơ sở kinh tế để tự vận động vươn lên. Một thời gian ngắn sau, nhiều cơ quan báo chí cũng đồng thời là cơ sở kinh tế… thậm chí có lúc, có nơi, báo chí là công việc thu hút nhiều lợi nhuận.
Những năm tháng trước đổi mới, báo chí của chúng ta giản dị và ngay ngắn; nhiều nhà báo được tôi luyện trong chiến đấu, trong tu dưỡng lập trường giai cấp đã trở thành những cây bút sắc bén. Uy tín và vị thế của báo chí chẳng những giúp cho định hướng trong chỉ đạo mà còn có vị trí xứng đáng trong lòng dân.
Đổi mới đi liền với mở cửa và hội nhập!
Đổi mới: Bắt đầu từ tư duy, trước hết là tư duy về kinh tế. Cuộc sống không chỉ đòi hỏi các cấp, ngành phải năng động trong tìm kiếm cái mới, cái hiệu quả trong kinh tế mà đòi hỏi cả báo chí cũng phải như vậy.
Báo chí từ chỗ chỉ tập trung vào chuyện nghiệp vụ, tập trung vào làm công tác tư tưởng, từ đó còn làm kinh tế. Cụm từ kinh tế báo chí ra đời hay ít nhất cơ quan báo chí cũng được coi là đơn vị sự nghiệp có thu. Các ngành, các cấp nỗ lực để xuất bản báo, tạp chí, mở rộng phát thanh - truyền hình. Có những đơn vị báo chí có nguồn thu lớn từ hoạt động quảng cáo và dịch vụ khác. Báo chí phát triển như vũ bão về số lượng và nhân lực, đồng thời cũng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội khác.
Mở cửa: Các luồng gió ào ạt thổi vào dải đất hình chữ S, gió lành và gió nóng đủ cả. Báo chí Việt Nam đón gió và du nhập phương thức, công nghệ tác nghiệp của nhiều nước, trong đó có cả những nước phát triển trước ta hàng trăm năm. Hội nhập tất cả, từ mạng Internet và phương thức làm báo đa chiều.
Trong vòng một, hai thập niên, số lượng đầu báo đã lên đến hơn 700; số lượng đài phát thanh – truyền hình lên đến hơn 70 và hằng trăm kênh, chương trình truyền hình, phát thanh; bộ, ngành nào cũng có phương tiện truyền thông của mình là truyền hình; hàng trăm tờ báo điện tử; hàng nghìn trang thông tin và hàng triệu blok cá nhân.
Nhiều cơ quan báo chí trở thành cơ quan truyền thông đa nền tảng với đủ các loại hình báo chí. Số lượng người làm việc trong các cơ quan truyền thông lên đến hơn 45.000 người.
Sự ra đời của mạng xã hội là một tiến bộ vô cùng to lớn của truyền thông nhưng lại là rào cản cho báo chí truyền thống. Từ chỗ tất cả mọi diễn biến của đời sống xã hội do báo chí phản ánh bỗng chốc mất thế độc quyền. Một cuộc đấu tranh mới ra đời: Đấu tranh để có thông tin sớm hơn… Công thức là: Đưa sớm nhất tin tức + tin hấp dẫn, gây sự chú ý, thu hút người đọc = lợi nhuận và thu nhập.
Các báo lăn xả vào đời sống để lấy tin, moi tin và thông tin… Một vài cơ quan báo chí và phóng viên bắt đầu xa rời tôn chỉ mục đích, tìm cách để có lợi ích, kể cả những việc làm thất đức, gây hại cho cộng đồng. Không ít cơ quan từ đánh mất quyền báo chí, liên kết với doanh nghiệp để tuyên truyền hạ bệ doanh nghiệp khác vì mục tiêu lợi ích nhóm và cá nhân.
Để tạo hành lang pháp lý cho báo chí, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng các bộ luật. Trong 30 năm qua, Nhà nước đã 3 lần xây dựng, thông qua, sửa đổi Luật Báo chí (Luật Báo chí 1998, sửa đổi 1999, sửa đổi 2016).
Cùng với Luật Báo chí là các bộ luật liên quan, các nghị định, thông tư; là hệ thống chính sách cởi mở cho báo chí phát triển. Dưới Luật, cùng với Luật còn có Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam, thực hiện từ 2005 và nay được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Báo chí 2016, theo đó, nếu vi phạm đạo đức thì người làm báo Việt Nam có thể bị tước quyền hành nghề.
Có thể nói một trong những thành công của 30 năm đổi mới vừa qua là có đổi mới theo hướng phát triển của báo chí Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là: Báo chí Việt Nam hiện tại có: “Tự chuyển biến, tự chuyển hóa” hay không? Có và đang ở giai đoạn đỉnh cao. Coi tờ báo là phương tiện kiếm tiền? Có. Đưa tin không trung thực, thiếu khách quan, thiếu cân bằng, thiếu công bằng? Có. Một số cán bộ và cơ quan báo chí câu kết với tổ chức khác để làm việc bất chính? Có. Có phóng viên, nhà báo sa sút về đạo đức, nhân cách? Có. Có nhà báo hoạt động hai mặt (viết báo khác, viết Facebook khác)… có việc nhũng nhiễu để vòi vĩnh trục lợi không? Có…
Vai trò của đạo đức báo chí chưa khi nào đặt ra một cách quan trọng và bức thiết như hiện nay. Những người làm báo Việt Nam ngoài tuân thủ pháp luật mà trước hết là Luật Báo chí 2016 còn phải thực hiện đầy đủ các quy định về đạo đức của người làm báo Việt Nam, mà theo đó có 10 nhóm nội dung cơ bản sau: Thứ nhất, nhà báo, người làm báo phải trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, đóng góp vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ hai, chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật về báo chí và các qui định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội qui, qui chế của cơ quan báo chí nơi công tác.
Thứ ba, hành nghề trung thực, khách quan, công tâm và cân bằng. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ tư, nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Thứ năm, không lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi. Chuẩn mực, nghiêm túc và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
Thứ sáu, bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin.
Thứ bảy, tôn trọng bản quyền. Đoàn kết, tương trợ đồng nghiệp.
Thứ tám, tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, tự do, chuyên nghiệp và hiện đại.
Thứ chín, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
Thứ mười, những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những qui định trên đây, coi đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của mình.
Chúng ta còn thấy rõ một điều là đất nước sau 35 năm đổi mới, thành tựu đem lại là vô cùng to lớn nhưng cùng với đó là những vấn đề về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tha hóa, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền ở một bộ phận lãnh đạo; nguy hiểm hơn đó là việc tự chuyển biến về lý tưởng, hành động; tự chuyển hóa về nhân cách…
Báo chí không là ngoại lệ, có điều đối với báo chí thì tác động và tác hại sẽ khôn lường. Bởi khác với các ngành, các cấp, giới báo chí từ lãnh đạo đến phóng viên đều là những người hoạt động chính trị, tư tưởng; sản phẩm của họ làm ra mang tính chất đại diện cho tư duy và hành động.
Như đã nói ở trên, sự phát triển như vũ bão của báo chí và công nghệ; của phương tiện truyền thông đã giúp cho xã hội nước ta thay đổi lớn theo hướng tiến bộ. Thông tin cũng đa chiều, từ đó giúp hạn chế tiêu cực, mất dân chủ, cửa quyền, làm việc trái pháp luật; nhưng nếu quản lý không tốt (tư tưởng, đạo đức, phương thức hoạt động) thì nguy hại cũng không thể đong đếm.
Thành tựu và những đóng góp những năm đổi mới đối với báo chí là vô cùng to lớn. Cùng với đó là những thiếu sót, khuyết điểm đang hiện hữu từng ngày, từng giờ của báo chí. Luôn nhận ra và điều chỉnh, luôn nghiêm khắc với chính việc làm của mình sẽ ngăn chặn tình trạng phi đạo đức, đi theo hướng xấu của báo chí và người làm báo.
Câu nói: Tâm sáng, bút sắc, lòng trong luôn luôn là điều mà những người làm báo cần ghi tạc.