Kiềm chế gia tăng người nghiện ma túy

07:33, 03/06/2022

Năm nay, Tháng hành động phòng, chống ma tuý (tháng 6) được Chính phủ lựa chọn với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy - Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn”. Thái Nguyên, địa phương từng một thời đứng tốp 5 cả nước về số người nghiện ma túy, đã và đang thực hiện chương trình tổng thể phòng, chống ma túy (PCMT) với mục tiêu kiềm chế tối đa việc gia tăng số người nghiện.

Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến nay, riêng lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Công an tỉnh đã điều tra, khám phá trên 6.000 vụ liên quan đến ma túy, bắt giữ gần 7.000 đối tượng, thu giữ hàng trăm kilogam heroin, hàng chục kilogam ma túy tổng hợp và nhiều loại chất gây nghiện khác.

Điều đó cho thấy, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn vẫn diễn biến khá phức tạp. Để đẩy lùi tệ nạn ma túy, các cấp, ngành trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện các biện pháp ngăn chặn, trong đó ngoài đẩy mạnh trấn áp tội phạm, tỉnh tập trung tuyên truyền, giáo dục, tổ chức cai nghiện và điều trị cho người nghiện.

Trong năm 2021, toàn tỉnh đã tiến hành cai nghiện cho 1.350 người, điều trị methadone tại các cơ sở cai nghiện cho khoảng 300 người.

Mục tiêu đề ra của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 là mỗi năm phấn đấu kiềm chế tỷ lệ gia tăng số người nghiện ma túy dưới 1% so với năm trước; trên 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hoà nhập cộng đồng; số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ hằng năm tăng từ 5% so với năm trước; trên 90% số vụ án ma túy được giải quyết, xét xử; tăng từ 5% số điểm phức tạp về ma túy được triệt xóa…

Nhiệm vụ PCMT là thường xuyên, liên tục. Trong Tháng hành động này, tỉnh chủ trương huy động các tổ chức, lực lượng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về PCMT, các quy định mới của Luật PCMT năm 2021.

Tổ chức tuyên truyền để toàn dân hiểu về hậu quả, tác hại của việc sử dụng, sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới đang có xu hướng lan rộng trong giới trẻ như: Hồng phiến, thuốc lắc, cần sa, ketamin, ma túy đá, “cỏ Mỹ”, “bóng cười”…

Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, nền tảng di động trong các hoạt động tuyên truyền. Tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục - Đào tạo, tổ chức Đoàn Thanh niên phải là nòng cốt tuyên truyền phòng ngừa ma túy trong trường học và trong giới trẻ. Cần giúp học sinh, thanh niên nhận biết được các chiêu trò núp bóng vỏ bọc là “tem giấy”, “bùa lưỡi”, “cỏ Mỹ”, “bóng cười”… để dụ dỗ các em tham gia sử dụng chất hướng thần, gây nghiện.

Tỉnh cũng yêu cầu các lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy. Tập trung triệt phá các đường dây, điểm, tụ điểm, đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma tuý. Đặc biệt chú ý các đối tượng có hành vi quảng cáo, lôi kéo người sử dụng, mua bán trái phép các chất ma tuý qua mạng xã hội. Kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp trồng cây có chứa chất ma túy trái phép…

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về ma túy; lựa chọn một số vụ án điểm, dư luận quan tâm để đưa ra xét xử lưu động, công khai nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện; hướng dẫn tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định.