Thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập xóm, cuối năm 2019, xóm Làng Cháy được hình thành từ việc sáp nhập từ xóm Dọc Hèo và xóm Làng Cháy cũ, xã Khe Mo (Đồng Hỷ). Mặc dù 2 xóm cũ chỉ cách nhau hơn 1km theo đường chim bay, nhưng do chưa có đường nối trực tiếp, người dân phải đi đường vòng dài hơn 3km. Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Ông Trần Văn Đông cùng các đoàn thể xóm Làng Cháy đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân hiến đất để mở đường nối 2 khu dân cư với nhau. |
Xóm Làng Cháy hiện có 173 hộ dân với 620 nhân khẩu, để thuận tiện trong việc quản lý, theo dõi, xóm chia thành 2 khu dân cư và gọi theo tên của 2 xóm cũ, trong đó khu dân cư Dọc Hèo hiện có 70 hộ dân, với 250 nhân khẩu.
Sau khi sáp nhập, người dân 2 khu dân cư tiếp tục đoàn kết, tập trung phát triển kinh tế, đến nay xóm chỉ còn 3 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo (giảm 50% số hộ nghèo, cận nghèo so với trước khi sáp nhập).
Tuy nhiên, hiện nay việc đi lại giữa 2 khu dân cư lại gặp không ít khó khăn, do chưa có tuyến đường nối trực tiếp, người dân phải đi quãng đường dài hơn 3km qua địa bàn của 3 xóm khác.
Ông Trần Văn Đông, Trưởng xóm Làng Cháy, cho biết: Từ khi sáp nhập đến nay, các buổi họp xóm, sinh hoạt đảng, sinh hoạt cộng đồng diễn ra tại nhà văn hóa của khu dân cư Làng Cháy, vì thế người dân khu dân cư Dọc Hèo phải đi xa hơn. Cũng bởi vậy, công tác tuyên truyền của xóm gặp không ít khó khăn do quy mô dân số tăng, diện tích rộng hơn, trong khi đó đường đi lại xa. Chúng tôi không trực tiếp đến từng hộ gia đình được nên chia xóm thành 8 tổ, giao trưởng các chi hội đoàn thể của xóm phụ trách.
Còn ông Trương Công Nhất, người uy tín xóm Làng Cháy, đang sinh sống tại khu dân cư Dọc Hèo, nói: Trước đây, mỗi khi họp xóm, đại diện các hộ dân đến họp đạt 80-90%, sau khi sáp nhập tỷ lệ chỉ đạt 50-60%. Nguyên nhân là do quãng đường từ nhà đến nhà văn hóa xóm ở khu dân cư Làng Cháy cách xa, hộ xa nhất phải đi tầm 4km, nên họ ngại không đi họp. Sau mỗi buổi họp, chúng tôi lại phải đến từng hộ dân được giao phụ trách để truyền đạt lại nội dung, điều này mất nhiều thời gian, công sức đi lại.
Đường sá không thuận lợi cũng đang là băn khoăn lớn của nhiều đảng viên trong Chi bộ. Ông Phương Quốc Nhạn, sinh năm 1962, chia sẻ: Hằng tháng tôi thường xuyên đi xe máy đến tham gia sinh hoạt Chi bộ tại nhà văn hóa ở khu dân cư Làng Cháy. Nhưng khi sức khỏe không đảm bảo thì tôi chỉ có thể đi bộ đến sinh hoạt, con cháu thì đi làm ăn xa hết nên không nhờ đèo đi được. Vì thế, tôi rất mong được mở một con đường nối trực tiếp 2 khu dân cư với nhau.
Dẫn chúng tôi đi thực tế tại khu vực xóm định xây dựng tuyến đường nối giữa 2 khu dân cư, ông Trần Văn Đông cho biết thêm: Xóm đã khảo sát, sau đó xin ý kiến chính quyền địa phương để huy động nhân dân đóng góp làm tuyến đường dài khoảng 1km nối 2 khu dân cư. Tuy nhiên, do tuyến đường đi qua đất của 6 hộ dân và đất thuộc xóm 7 thị trấn Sông Cầu nên khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, tuyến đường sẽ đi qua nhiều đoạn suối, phải đầu tư cầu, cống nên chi phí lớn, người dân khó đối ứng. Tôi cũng như bà con rất mong muốn Nhà nước hỗ trợ đầu tư tuyến đường này…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin