Áp lực công việc tại cơ quan, công sở ngày càng nhiều; cuộc sống bị “bủa vây” bởi các thiết bị điện tử, nhất là máy tính và điện thoại thông minh phục vụ công việc và giải trí khiến con người ngày càng có xu hướng ít vận động tay chân. Điều này dần hình thành lối sống thụ động và gây ra hệ luỵ không nhỏ về sức khoẻ.
Người dân tổ dân phố Tân Thành 2, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), luyện tập môn bóng chuyền hơi. |
Người trẻ ngày càng lười vận động, tập luyện thể dục, thể thao. Thay vào đó, việc tụ tập ăn uống, tán gẫu, chơi game hoặc ôm máy tính, điện thoại lướt web, vào mạng xã hội hay các trang giải trí trực tuyến là những lựa chọn thú vị hơn.
Thử làm một cuộc khảo sát, chúng tôi nhận được nhiều lý do có vẻ rất chính đáng của việc lười thể dục, thể thao. Em Hoàng Văn Hiếu, học sinh lớp 12, Trường THPT Phú Lương, nói: Lịch học cuối cấp của chúng em gần như đã kín mít. Ngoài học chính khoá trên trường, em còn học thêm một số môn và phải làm bài tập ở nhà nữa. Được ngày nghỉ ít ỏi thì tranh thủ ngủ bù cho những tối thức muộn.
Chị Hoàng Thu Hương, làm việc tại Công ty Glonics Thái Nguyên, chia sẻ: Làm công nhân, hầu hết đăng ký tăng ca để có thêm thu nhập, mỗi ngày trung bình 10-12 tiếng, làm thêm cả ngày nghỉ cuối tuần vì được tính lương gấp đôi. Về đến phòng trọ thì đã quá mệt, tôi chỉ kịp ăn uống, vệ sinh cá nhân rồi ngủ cho lại sức. Thời gian gặp gỡ bạn bè còn không có chứ đừng nói đến tập thể thao.
Anh Phạm Văn Sang, nhân viên văn phòng một công ty trên địa bàn TP. Thái Nguyên, cho biết: Tôi từng đăng ký một khoá tập thể hình nhưng bỏ dở do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời gian đó ít vận động, ăn uống thoải mái nên tăng cân nhiều. Giờ hết dịch rồi thì lại nảy sinh tâm lý ngại. Thay bằng đi tập, sau mỗi buổi tan làm, chúng tôi có thói quen rủ nhau ra quán uống vài cốc bia trước khi về nhà…
Theo các chuyên gia, việc lười vận động không chỉ ảnh hưởng tới sức đề kháng của cơ thể mà còn dẫn tới những hệ quả nguy hiểm khác về tim mạch, tiểu đường, béo phì...
Bên cạnh đó, không có thói quen tập luyện thể thao sẽ khiến sức khoẻ cơ xương giảm sút và phát sinh các vấn đề tâm lý - thần kinh do cơ thể không được thường xuyên đào thải stress.
Các yếu tố khách quan mà nhiều người đưa ra như thiếu không gian, thời gian hay áp lực từ việc học tập, mưu sinh có lẽ chưa thực sự thuyết phục.
Để chữa “bệnh” lười vật động, lười tập luyện thể dục, thể thao thì điều cốt yếu là thay đổi tư duy, sắp xếp thời gian biểu một cách khoa học và các thói quen sinh hoạt. Vận động thường xuyên như chăm chỉ tập thể dục hay hoạt động nâng cao thể lực chính là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để có một sức khỏe dẻo dai và hình thành lối sống lành mạnh.
Khi nghiên cứu và triển khai bài viết này, bản thân tôi nhận thấy mình nằm trong nhóm những người lười vận động. Hệ quả xấu là điều thấy rõ. Việc sử dụng máy tính và điện thoại liên tục khiến thị lực bị suy giảm, tăng cân và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Chính vì vậy, xây dựng lộ trình để thay đổi thói quen xấu và tăng cường vận động, rèn luyện sức khỏe là mục tiêu mà tôi sẽ quyết tâm thực hiện.
Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc - UNFPA, với ít nhất 30% số người trưởng thành thiếu vận động thể lực, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới. Thiếu vận động thể lực kéo theo nguy cơ mắc phải bệnh béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường… Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% số ca tử vong ở Việt Nam. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin