Nợ nần, thất tình, mâu thuẫn trong gia đình và những việc bất hạnh khác tức thời không có hướng giải quyết khiến không ít người vội vàng chọn cách quyên sinh bằng nhảy cầu.
Cầu Gia Bẩy hàng năm đều có người tự tử. |
Sông Cầu đoạn chảy qua Thái Nguyên vốn thơ mộng, bình yên, dòng nước không chảy cuộn xiết nhưng thời gian qua đã âm thầm nhấn chìm và “nuốt trọn” bao người rơi xuống nó, trong đó có cả những người trong phút giây không làm chủ được mình đã cố ý tìm đến cái chết.
Chưa có thống kê cụ thể số người đã nhảy cầu tự tử trên địa bàn tỉnh, nhưng năm nào cũng có người đến các cầu trên sông Cầu để tự tử. Đa phần nạn nhân thường chọn thời điểm vắng vẻ trên cầu để nhảy xuống sông quyên sinh, nên khi có người biết thông tin, báo để lực lượng chức năng tìm kiếm thì họ đã tử vong.
Cây cầu được những người nhất thời “chán sống" lựa chọn nhiều nhất là Gia Bẩy. Nhiều người chắc hẳn chưa quên sự việc đau lòng xảy ra tối 9-2-2019 (mùng 5 Tết). Thời điểm đó, một nữ sinh 22 tuổi ở huyện Đồng Hỷ đã nhảy cầu Gia Bẩy tự tử. Thi thể nạn nhân được tìm thấy ngày hôm sau, được xác định là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học ở Thái Nguyên. Lướt Facebook cá nhân của nạn nhân trước đó, nhiều người rùng mình bởi nữ sinh này đã nhiều lần đăng dòng trạng thái bày tỏ “chán đời” muốn tìm đến cái chết.
Cũng năm 2019, theo lời những người chứng kiến, vào khoảng 19 giờ ngày 2-12, một người phụ nữ khoảng gần 40 tuổi khi đang đi bộ trên cầu Gia Bẩy thì đột ngột nhảy xuống sông. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường và tổ chức tìm kiếm. Sau khoảng 20 phút, thi thể nạn nhân xấu số được tìm thấy cách cầu khoảng 100m về phía hạ lưu.
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân nhảy cầu Gia Bẩy tự tử. |
Sau cầu Gia Bẩy, cầu Mây ở huyện Phú Bình cũng là nơi nhiều người lựa chọn để kết thúc mạng sống của mình. Không nhiều người may mắn được người dân phát hiện, can ngăn kịp thời nên giữ được tính mạng. Một số người đã mãi mãi ra đi để lại niềm đau, tiếc thương cho gia đình, bè bạn. Như vụ việc đêm 19-8-2021, một nữ công nhân 22 tuổi ở xã Thượng Đình đang làm tại KCN Yên Bình, đã để lại tư trang trên cầu Mây và gieo mình xuống sông. Đến chiều 20-8, thi thể cô gái được tìm thấy cách cầu Mây khoảng 3km, đoạn thuộc xóm Soi 2, xã Úc Kỳ.
Chọn nhảy cầu tự tử nhằm “giải thoát” cho mình, nhưng nạn nhân sẽ để lại nỗi đau, day dứt suốt cả cuộc đời cho những người còn sống…
Trước thực trạng này, mỗi gia đình cần quan tâm giáo dục, gần gũi và sát sao hơn đến diễn biến tâm lý của con em mình để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc.
Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến của người dân về việc các cấp, ngành liên quan nên khảo sát vị trí, địa điểm để lắp đặt hệ thống camera an ninh ở khu vực các cây cầu hay có người tự tử; thành lập đội cứu hộ tình nguyện trên sông là những người lao động, đánh bất thủy sản, người sống gần khu vực. Đây là những giải pháp vừa đảm bảo an ninh trật tự xã hội, vừa là kênh thông tin kịp thời, giúp sức cho lực lượng chức năng khi có tình huống cần cứu hộ, cứu nạn.
Anh Dương Văn Thuật, xã Tân Khánh (Phú Bình), đề xuất: Tìm hiểu và chứng kiến nhiều vụ nhảy cầu Mây tự tử, rất ít người được phát hiện cứu sống, tôi nghĩ các ngành chức năng cần có giải pháp để hạn chế tình trạng này. Ví dụ như lắp đặt rào chắn hai bên lan can, kiểu rào lưới chắn đường cao tốc để chống hành vi tự tử tại cầu Mây và một số cây cầu khác.
Còn chị Nguyễn Thuỳ Linh, ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên), mong muốn: Tình trạng tự tử nói chung và nhảy cầu tự tử nói riêng trong giới trẻ ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của lớp thanh thiếu niên hiện nay. Thiết nghĩ các ngành chức năng của tỉnh, thành phố nên nghiên cứu, xem xét thành lập tổ, đội cứu nạn như mô hình hỗ trợ khẩn cấp người gặp nạn của Hội Chữ thập đỏ. Tổ, đội này sẽ có sự tham gia của những người ở gần sông Cầu, người khai thác cát sỏi, đi đánh cá trên sông hay kinh doanh gần đó…
Chia sẻ của anh Thuật, chị Linh cũng là suy nghĩ của nhiều người. Chúng tôi được biết, tại nhiều nước trên thế giới, hầu hết các công trình có độ cao lớn và nổi tiếng đều có lưới ngăn chặn tự vẫn.
TP. Hà Nội, từ năm 2021, đã thí điểm mô hình trục vớt, cứu hộ, cứu nạn trên sông Hồng đoạn qua huyện Mê Linh. Và đầu năm nay, một nhóm tình nguyện viên đã treo hàng chục phao cứu sinh trên 6 cây cầu bắc qua sông Hồng, là phương tiện giúp những người đuối nước, những người cứu nạn nhân đuối nước.
Mong rằng những tâm tư, kiến nghị, đề xuất của người dân sẽ được các cấp, ngành chức năng quan tâm, nghiên cứu, sớm triển khai để hạn chế tình trạng người dân tự tử tại nhiều cây cầu trên địa bàn. Nhưng hơn hết, mỗi người cần bình tĩnh khi gặp phải chuyện buồn để dần tìm hướng giải quyết, biết quý trọng tính mạng của mình và vì nhiều người khác.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin