Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, cùng với hệ thống Bảo hiểm Xã hội (BHXH) cả nước, BHXH tỉnh Thái Nguyên đã và đạng tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, giải quyết nghiệp vụ của Ngành để phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Người dân được hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số. |
Xác định được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, bên cạnh việc sắp xếp, bố trí đào tạo nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin, chuyên môn nghiệp vụ sâu, đủ năng lực và phẩm chất chính trị, đáp ứng các yêu cầu trong thực hiện công tác này thì hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin cũng được BHXH tỉnh quan tâm, đảm bảo thực hiện số hóa hồ sơ trên môi trường mạng.
Hiện, ngành BHXH đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - mức cao nhất thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng cho tất cả các thủ tục hành chính của Ngành; tích hợp, cung cấp 20 dịch vụ công thuộc 14 thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, 7 dịch vụ công trên ứng dụng VssID - BHXH số.
Đáng chú ý, BHXH tỉnh cũng đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư ngay khi cơ sở dữ liệu này được đưa vào vận hành chính thức. Tiêu biểu là liên thông dữ liệu với Bộ Tư pháp trong việc đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi (100% trẻ em sau khi có giấy khai sinh sẽ có luôn thẻ BHYT nhờ sự kết nối liên thông này). Trong 9 tháng năm 2022, BHXH tỉnh đã cấp trên 8.500 thẻ BHYT trẻ em qua liên thông dữ liệu với Bộ Tư pháp.
Đặc biệt, sau hơn một năm công bố và triển khai ứng dụng "VssID - BHXH số” trên thiết bị di động thông minh, toàn tỉnh đã có trên 374.953 tài khoản cài đặt và sử dụng.
Với ứng dụng này, người dùng có thể quản lý, kiểm soát thông tin về quá trình thực hiện các dịch vụ BHXH, BHYT, BHTN, thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT, BHTN một cách tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.
Từ ngày 1-6-2021, người dân còn có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn quốc...
Cùng với việc triển khai ứng dụng đồng bộ các phần mềm nghiệp vụ trên tất cả các lĩnh vực công tác, BHXH tỉnh đang tích cực thực hiện Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.
Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, thông qua các dịch vụ ngân hàng trực tuyến...
Tính đến tháng 10-2022 trên địa bàn tỉnh đã có 722,8 nghìn người có thẻ BHYT được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT bằng CCCD.
Với việc đồng bộ dữ liệu này, đến nay trên địa bàn tỉnh có 31,7 nghìn lượt người sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT đi KCB và hệ thống tra cứu kết quả thành công, đã xác thực được trên 740 nghìn người tham gia BHXH, BHYT.
Toàn tỉnh có 100% cơ sở KCB BHYT có bệnh nhân đến KCB bằng CCCD (cao hơn trung bình cả nước 9%); duy trì tốt việc kết nối, liên thông dữ liệu KCB BHYT với 100% cơ sở y tế trên địa bàn để phục vụ công tác quản lý KCB, giám định BHYT điện tử và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin