Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường là vấn đề trọng yếu, quan thiết đối với người dân, nhất là cư dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực đời sống còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, từ nguồn vốn được cấp, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (NSH&VSMTNT) đã triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho hàng chục nghìn hộ dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội vùng nông thôn.
Cán bộ Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu và nguyện vọng người dân về sử dụng nước sạch. |
Những năm qua, thực hiện chức năng nhiệm vụ do UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT giao, Trung tâm NSH&VSMTNT đã triển khai xây dựng hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt tại các vùng nông thôn, miền núi. Đến nay, ngoài những công trình đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác, Trung tâm đang trực tiếp quản lý, vận hành 27 công trình. Các công trình này đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho trên 20 nghìn hộ dân, với trên 100 nghìn nhân khẩu.
Trong năm 2022, mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm; nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp, cải tạo các công trình còn hạn hẹp; việc thu đối ứng của một số địa phương gặp khó khăn... nhưng Trung tâm luôn nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân, trong năm, Trung tâm đã tổ chức hoạt động truyền thông và tăng cường năng lực thuộc Dự án Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn theo đúng kế hoạch. Theo đó, Trung tâm đã tổ chức trên 40 hội nghị tập huấn nghiệp vụ quản lý, vận hành công trình cấp nước và hội nghị thông tin giáo dục truyền thông (IEC) về cấp nước, chiến lược cấp nước sạch của tỉnh và Trung ương giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045. Các hội nghị tập huấn được tổ chức trực tiếp tại 32 xã, phường, thị trấn hưởng lợi từ Dự án, với gần 2 nghìn người tham gia.
Để việc cung cấp nước sinh hoạt được đảm bảo, Trung tâm chỉ đạo Trạm dịch vụ NSH&VSMTNT thực hiện công tác quản lý vận hành khai thác các công trình cấp nước hiệu quả, hoạt động ổn định theo kế hoạch. Theo đó, nhân viên phải thường xuyên theo dõi các thông số kỹ thuật liên quan đến điện, áp suất, mực nước, hệ thống đường ống… trong quá trình khai thác vận hành; kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố để không gây gián đoạn cấp nước, đảm bảo cấp nước liên tục cho người dân sử dụng.
Nhân viên Nhà máy nước Nga My - Hà Châu (Phú Bình) kiểm tra hệ thống thiết bị trong quá trình vận hành. |
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm đảm bảo chất lượng nước trước khi cung cấp đến các hộ dân. Đơn vị thường xuyên chỉ đạo phòng chuyên môn thực hiện lấy mẫu nước, tiến hành xét nghiệm, phân tích các chỉ số chất lượng nước định kỳ. Các chỉ số về vi sinh, hóa học được xét nghiệm, phân tích theo quy định, trong đó tập trung vào các chỉ số để đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, Trung tâm có giải pháp khắc phục (nếu có) để đảm bảo chất lượng nguồn nước trước khi cung cấp đến các hộ dân.
Trong năm, từ các nguồn vốn như: vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), ngân sách Trung ương và những nguồn vốn khác, Trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thiện hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản theo tiến độ và quy định. Trong đó, nhiều công trình đã đưa vào vận hành, khai thác ổn định, cung cấp nước hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao như các nhà máy máy cấp nước sinh hoạt ở các địa phương: Tức Tranh (Phú Lương); Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên); Tiên Phong, Đông Cao (TP. Phổ Yên)…
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT, cho biết: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu Trung ương giao, cũng như đảm bảo hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra là: "Đến năm 2025, có 98% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh", Trung tâm đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn này. Riêng năm 2022, với sự nỗ lực và triển khai đồng bộ các giải pháp, Trung tâm đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,5%.
Cũng trong năm, Trung tâm NSH&VSMTNT đã hoàn thiện và trình Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định Dự án để trình UBND tỉnh phê duyệt Dự án Xây dựng đề án xã hội hóa cấp nước sinh hoạt nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2045.
Theo ông Trường: Trung tâm xác định, ngoài nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đơn vị cũng tập trung xây dựng, sửa chữa các công trình cho các xóm, xã về đích nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu đưa 95% số xã về đích nông thôn mới vào năm 2025 của tỉnh Thái Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin