Thời tiết nồm ẩm duy trì nhiều ngày qua và còn diễn tiếp một tuần nữa đã khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình gặp khó khăn. Các chuyên gia lưu ý người dân cần áp dụng các biện pháp chống ẩm, đồng thời chú ý bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là đường hô hấp.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt đường hô hấp trong điều kiện nồm, ẩm còn kéo dài. (Ảnh: Nhật Quang) |
Khốn khổ vì nồm ẩm
Vừa mở cửa nhà chính để cho thoáng đãng không lâu, bà Trần Thị Huyền (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) đã phải vội vã đóng ngay lại. Bởi mặc dù chỉ qua chưa đầy chục phút, sàn nhà tầng 1 của nhà bà đã lép nhép ướt.
"Trời nồm kéo dài nhiều ngày đã khiến cho cuộc sống của gia đình tôi đảo lộn, lúc nào cũng phải đóng kín tất cả các cửa thông gió. Sàn nhà, tường lẫn cầu thang đều luôn trong trạng thái ẩm ướt", bà Huyền vừa lau nhà bằng khăn khô, vừa than thở.
Không riêng gia đình bà Huyền, nhiều gia đình khác ở Hà Nội cũng khốn đốn vì thời tiết nồm ẩm. Bà Đỗ Thị Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) từ nhiều ngày qua đã bị tái phát bệnh thấp khớp. Ngay cả cháu bà mới 1 tuổi cũng liên tục ho và gặp các vấn đề về đường hô hấp.
"Nồm ẩm khiến cháu tôi không có chỗ để chơi vì sàn nhà luôn trơn trượt. Mặc dù liên tục lau nhà nhưng chỉ được một lát là tình trạng lại trở lại như cũ", bà Chính than thở.
Đáng lưu ý hơn, thời tiết nồm, ẩm cũng khiến cho chất lượng không khí tại Hà Nội nói riêng và các tỉnh miền bắc nói chung bị ô nhiễm. Theo số liệu quan trắc của IQAir, vào lúc 11 giờ sáng nay, 8-2, chỉ số AQI (Chất lượng không khí) ở các điểm tại Hà Nội dao động từ khoảng 101-150 đơn vị, ngưỡng có hại cho sức khỏe con người.
Thời tiết nồm, ẩm kéo dài khiến cho tình trạng sương mù, ô nhiễm không khí xuất hiện. |
Cá biệt, trước đó, vào giai đoạn từ 3-5/2, theo số liệu quan trắc của PAM Air, chỉ số AQI một số khu vực như Khu đô thị Times City (Hai Bà Trưng, Hà Nội) còn lên tới 231 đơn vị, mức rất có hại cho sức khỏe.
Tại nhiều tỉnh phía bắc như Bắc Giang, Hải Dương, Thái Nguyên, chỉ số đỏ cũng xuất hiện, dao động chung quanh mốc 180 đơn vị. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, trong nhiều ngày qua, sương mù liên tục che khuất các nhà cao tầng, hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông.
Cần làm gì trong điều kiện nồm ẩm còn kéo dài?
Kiểu hình thời tiết nồm, ẩm dự kiến sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới. Các chuyên gia đã đưa ra một vài lời khuyên dành cho người dân để hạn chế những tác động không tốt tới cuộc sống.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho biết, những ngày qua, Hà Nội đang ở trong giai đoạn ô nhiễm không khí đáng báo động. Nguyên nhân do các nguồn phát thải không giảm, trong khi lượng sương mù dày khiến bụi trong không khí bị lưu trữ ở tầng thấp khuếch tán ngày càng rộng.
Chất lượng không khí tại miền bắc ở mức nguy hại tới sức khỏe con người. (Ảnh chụp màn hình IQAir, sáng 8-2) |
Trước điều kiện thời tiết này, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài nhất là người già và trẻ em. Đối với những người thường xuyên phải ra đường nên có biện pháp tự bảo vệ.
Để hạn chế tình trạng nấm mốc, virus phát triển trong không khí có độ ẩm cao, chuyên gia khuyên người dân cần bịt kín các cửa thông gió, dùng khăn khô lau sàn nhà và các vật dụng sinh hoạt liên tục.
Trong khi đó, dưới góc độ xây dựng công trình dân dụng, ông Bùi Trọng Trường, Giám đốc Công ty cổ phần kiến trúc và xây dựng Anpha Luxury cho rằng, người dân có thể làm các biện pháp như sau để hạn chế tình trạng nồm, ẩm kéo dài:
Thứ nhất, ông Trường cho rằng, biện pháp tối ưu là cần phòng ngừa từ ngay trong quá trình xây dựng. Cụ thể, trước khi lát sàn, đơn vị thi công có thể sử dụng một lớp sỏi dày từ 10-15cm rồi phủ nilon lên trên sau đó mới đổ sàn.
Thứ hai, với các công trình đã hình thành, ông Trường khuyến cáo nên sử dụng các máy hút ẩm và che chắn tối đa các cửa thông gió, tránh không khí lọt vào. Đặc biệt với các công trình đã cũ và xuống cấp, các cửa thông gió có độ cong vênh nhất định. Do đó, người dân cần chú ý và nếu có thể thì tiến hành thay thế.
Bên cạnh đó, việc lát sàn gỗ cũng là biện pháp hạn chế rất tốt hiện tượng nồm ẩm do giữa lớp sàn gỗ và mặt sàn cũ luôn có một khoảng không gian nhất định.
"Nhiều gia đình cho rằng, mở cửa cho thoáng và bật quạt gió sẽ làm nền nhà mau khô hơn. Tuy nhiên, trên thực tế mở cửa sẽ càng làm không khí ẩm vào nhà nhiều hơn, gió quạt càng làm luồng hơi ẩm bay khắp nơi, khiến trạng thái ẩm ướt, chảy nước trong nhà càng nặng nề", ông Trường đưa ra lời khuyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin