5 nhóm chính sách nổi bật trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Theo NDĐT 15:10, 30/03/2023

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này gồm 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn.

Lao động tham gia sản xuất tại khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Quang Dũng)
Lao động tham gia sản xuất tại khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Quang Dũng)

Sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Bảo hiểm xã hội

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan soạn thảo dự án Luật, cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội lần này sẽ được sửa đổi căn bản, toàn diện.

Mục tiêu chính của công tác xây dựng dự án Luật này nhằm thể chế hóa cơ bản các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cùng với đó, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn trong tham gia, thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung 2 nội dung mới. Đó là trợ cấp hưu trí xã hội và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội.

Thêm vào đó, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 133 điều trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Như vậy, dự thảo Luật sửa đổi lần này giữ nguyên về số chương nhưng tăng thêm 8 điều so với Luật ban hành năm 2014.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung 2 nội dung mới. Đó là trợ cấp hưu trí xã hội và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội. Hai nội dung này không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục bảo hiểm xã hội mà lồng ghép vào từng chế độ; tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng.

5 nhóm chính sách đáng quan tâm được sửa đổi, bổ sung

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có 5 nhóm chính sách được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn cụ thể dưới đây.

Nhóm chính sách thứ nhất là xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt.

Nhóm chính sách thứ hai là mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Nhóm chính sách thứ ba là mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội).

Nhóm chính sách thứ tư là bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm 2023.

Và cuối cùng, nhóm chính sách thứ năm là đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Để bảo đảm tính thống nhất của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với các luật, bộ luật có liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát các luật, bộ luật có mối quan hệ với Luật Bảo hiểm xã hội. Đó là các văn bản như: Bộ luật Lao động, Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Việc làm... và có báo cáo cụ thể gửi kèm theo.

Nội dung dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc có liên quan mà Việt Nam là thành viên và các cam kết quốc tế trong lĩnh vực có liên quan.

Trước đó, ngày 13/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 50/2022/QH15 chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm 2023.

Ước đến hết tháng 2 năm nay, toàn quốc có hơn 17,427 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng gần hơn 1,06 triệu người so với cùng kỳ năm 2022.

Trong số này, có 15,968 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 863,4 nghìn người. Tổng số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,459 triệu người, tăng 204,8 nghìn người.