Mặt xấu của con người là lòng tham. Để kiềm chế, thời nào con người cũng tìm cách ngăn chặn thói xấu đó, kể cả tôn giáo. Như đạo Phật dạy con người xa rời tham, sân, si cũng là vì lẽ đó…
Tệ tham nhũng là căn bệnh bao đời, khó phòng, khó chữa của giới có quyền chức, quan lại; thời xưa, bắt đầu từ đám hào, lý ở cơ sở. Vì là mặt xấu của con người cho nên thời nào, xã hội nào, tệ nạn này cũng có, chỉ khác nhau ở mức độ.
Người ta đúc kết bằng các từ ngữ: Tham (tham lam, tham tàn); Nhũng (nhũng nhiễu, nhũng lạm) tức là gây khó dễ để tham ô. Có 2 hình thức tham nhũng: Ăn bớt, biển thủ của công và nhận hối lộ. Để tham nhũng đương nhiên phải có quyền, tức là phải làm quan. Vậy là có 2 loại quan: Quan thanh liêm (thanh bạch, liêm chính) và quan tham (tham lam, nhũng nhiễu, thất đức) nhưng giầu có. Tham nhũng nhiều thì mất lòng dân, hao tổn công quỹ, lung lay thể chế, cho nên các triều đình luôn tìm cách chống.
Tìm trong sử sách, chúng tôi xin nêu vài câu chuyện, ngõ hầu được bạn đọc quan tâm. Việc chọn người ra học để làm quan thời quân chủ có những quy tắc nghặt nghèo riêng. Đa số người ra làm quan là những khoa bảng, được học quản lý, biết liêm sỉ, luân thường đạo lý. Cao hơn, họ được học tại Quốc tử giám thì mới được thôi bổ chức quan to. Thời Pháp thuộc thì có thêm Trường Hậu bổ (như trường hành chính bây giờ) để củng cố kiến thức quản lý, việc học hết sức nghiêm túc và hà khắc. Phàm đã học thì phải thuộc cái đạo làm quan gồm mấy đức căn bản sau: Dân vi bản (dân là gốc); dân vi quý (quý trọng dân); tiên ưu, hậu lạc (lo cho dân trước, hưởng thụ sau)…
Khuyến liêm, các triều đại luôn lo lắng việc quan lại lương bổng thấp dễ sinh hư nên để khuyến khích thường lập Quỹ dưỡng liêm. Quỹ này một mặt khuyến khích quan lại giữ đạo liêm chính, mặt khác là hỗ trợ đời sống. Nhìn chung, tiền dưỡng liêm tương đương một lần lương. Tuy vậy, lòng tham của con người không cùng cho nên có những giai đoạn việc ngăn chặn tham nhũng cũng kém hiệu quả…
Có chuyện thế này: Năm 1863, đại thần Trương Đăng Quế dâng sớ lên vua Tự Đức tâu rằng: “Muốn cho quan lại thanh liêm không gì bằng bớt người làm việc mà tăng lương. Quan cần người giỏi, quan giỏi thì đường lối trị nước tưởng đã được quá nửa vậy…” Cho nên việc tinh giản bộ máy, tìm người hiền tài, mẫn cán thời nào cũng thế, rất quan trọng.
Về biện pháp ngăn ngừa tham nhũng: Thời nhà Nguyễn hạn chế cơ hội bằng ban hành một số luật. Trong bài báo này, tôi giới thiệu qua về Luật Hồi ty của nhà Nguyễn. Đại để phàm làm quan đứng đầu địa phương thì không phải quê ở đấy và cũng không ở lâu. Việc này giảm được vây cánh, họ hàng, dòng tộc lợi dụng mà nhờ vả, còn quan không ỷ thế lực họ hàng mà xưng hùng, xưng bá. Nghỉ hưu rồi không trở lại nhiệm sở cũ tránh đãi đằng, quà cáp. Thời Minh Mạng (triều Nguyễn) các hoàng thân, thân vương… không được đi thi, không được thôi bổ làm quan do sợ cậy thế làm bậy.
Việc xử tội tham nhũng thời xưa cũng rất nghiêm minh theo tinh thần pháp bất vị thân. Tỷ dụ: Cũng thời Minh Mạng có quan quản lý sở đúc tiền là Lưu Công Nghị, để thợ ăn bớt đồng, Nghị bị cách chức do quản lý kém. Năm 1836, xứ Nam kỳ lập địa bạ, tỉnh Định Tường có quan Tống Hữu Tài, sách nhiễu lấy tiền của dân, xử chém đầu làm gương. Quan lại xưa rất sợ dư luận trong dân hoặc để dân tố cáo, khiếu nại. Tuy chưa có đủ các cơ quan dân bầu như ngày nay nhưng "búa rìu dư luận”, “Trăm năm bia đá thì mòn/Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ…” cũng có tác dụng ngăn chặn tham nhũng tốt.
Nguyễn Trãi (triều Lê Sơ) từng viết rằng: Một triều đình thưởng nhiều hơn phạt là thịnh. Phạt nhiều hơn thưởng là suy. Vì thế lập ra chính sách để quản lý tốt; tạo búa rìu dư luận để bêu kẻ tham, ngăn chặn tham quan là những việc người xưa trọng. Công cuộc chống tham nhũng của chúng ta hiện tại là việc tất yếu phải làm để đất nước trong sạch, đi lên phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin