Tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân đang diễn ra khá phổ biến. Hậu quả là nhiều người nhận được tin nhắn lừa đảo, đường link giả mạo hoặc bị làm phiền từ cuộc gọi chào mời các dịch vụ khác nhau. Dù cơ quan chức năng liên tục phát đi những cảnh báo nhưng có không ít trường hợp vẫn bị mắc bẫy, chịu hậu quả.
Thông tin cá nhân được rao bán phổ biến trên mạng xã hội. |
Thời gian gần đây, chị Nguyễn Thị Hòa ở phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên) liên tục nhận được các cuộc gọi mời tham gia dịch vụ làm đẹp, đầu tư chứng khoán và bất động sản. Dù đã chủ động chặn các cuộc gọi làm phiền nhưng lại có nhiều số khác gọi tới. “Tôi không hiểu họ lấy thông tin cá nhân từ đâu mà biết chính xác tên, địa chỉ và lĩnh vực làm việc của mình” - chị Hòa nói.
Còn anh Trần Tuấn Minh, ở tổ dân phố Giang Bình, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương), cũng từng nhận cuộc gọi thông báo bản thân trúng thưởng, được nhận quà tặng tri ân khách hàng…
Gần đây, việc lộ lọt thông tin cá nhân cũng khiến nhiều bậc phụ huynh ở Thái Nguyên và các tỉnh, thành phố trong cả nước lo lắng, một số đã bị mắc bẫy với hình thức lừa đảo gọi điện thông báo con đang phải cấp cứu trong bệnh viện.
Không khó để tiếp cận các nhóm trên mạng xã hội chuyên mua bán thông tin cá nhân. Ví dụ, tại nhóm công khai “Mua bán CMND, CCCD, ATM thông tin cá nhân” trên Facebook với 3.000 thành viên, chúng tôi thấy rất nhiều thành viên giao bán hoặc thu mua giấy tờ tùy thân để làm hồ sơ mở thẻ tín dụng, vay tín chấp và nhiều mục đích khác. Thử liên hệ qua tin nhắn riêng, tôi nhận báo giá mỗi thông tin từ 100-500 nghìn đồng, giá cao tới 1 triệu đồng tùy theo mức độ chi tiết, đầy đủ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới lộ lọt thông tin cá nhân trong bối cảnh mua sắm, giao dịch trên không gian mạng ngày càng phổ biến. Các hoạt động đăng ký thành viên, tài khoản trực tuyến thường phía cung cấp dịch vụ đều yêu cầu số điện thoại, địa chỉ, email để tiện liên hệ, thậm chí cả ảnh chân dung và CMND/CCCD để xác nhận.
Một số ứng dụng yêu cầu truy cập danh bạ và kho dữ liệu ảnh điện thoại. Trong khi đó, một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sở hữu dữ liệu khách hàng trong quá trình thu thập, khai thác, lưu trữ áp dụng biện pháp bảo vệ chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để lộ lọt dữ liệu thông tin cá nhân.
Thực tế đã xảy ra trường hợp nhân viên công ty, doanh nghiệp sau khi kết thúc công việc công ty đó và chuyển sang nơi khác đã lợi dụng vị trí của mình tiếp cận tệp thông tin khách hàng để rao bán và trục lợi.
Đáng chú ý nữa là rất nhiều người chủ quan khi chia sẻ công khai thông tin cá nhân lên mạng xã hội. Hậu quả là thông tin bị sử dụng vào mục đích thương mại như quảng cáo sản phẩm; lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiến đoạt tiền. Nghiêm trọng hơn là kẻ gian làm giả các hồ sơ hoặc dùng thông tin thu thập được để gọi điện đe dọa, tống tiền.
Các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã và đang được cơ quan chức năng dần hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn.
Tuy vậy, điều quan trọng là bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, đơn giản nhất là hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên không gian mạng; tránh sử dụng tài khoản mạng xã hội để kết nối, đăng nhập vào các ứng dụng thứ ba khác; không truy cập các trang web không rõ, đường dẫn trên mạng xã hội.
Ngay trên điện thoại thông minh cũng có rất nhiều cách để thiết lập các quyền riêng tư như: Chặn không cho ứng dụng truy cập vào địa điểm, danh bạ, hình ảnh, thông tin camera…, Đây là những cách làm cần thiết để phòng ngừa kẻ xấu khai thác thông tin cá nhân của người dân nhằm thực hiện các hành vi phạm pháp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin