Làm báo không “quan liêu”

Trần Quyền 10:35, 26/03/2023

Mỗi lần “tua tuyến” tác nghiệp trên công trường xây dựng Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, tôi lại được vỡ lẽ thêm nhiều điều dù rằng không lạ lẫm với những công trường xây dựng lớn. Lần tác nghiệp của tôi gần đây cũng vậy, khi tình hình triển khai Dự án này có những diễn biến mới.

Phóng viên báo điện tử Thái Nguyên tác nghiệp tại công trường xây dựng Tuyến đường liên kết.
Phóng viên báo điện tử Thái Nguyên tác nghiệp tại công trường xây dựng Tuyến đường liên kết.

Vài tháng qua, lãnh đạo tỉnh liên tục có những chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công, trong đó Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc thường được nhắc đến đầu tiên.

Trong số nhiều vướng mắc được đề cập, thiếu đất san lấp là vấn đề thời sự “nóng” nhất. Trên một số đoạn tuyến, nhà thầu thi công cầm chừng nhiều tháng nay, có chỗ phải tạm dừng để chờ đấp đắp nền (hoặc do vướng mặt bằng). Tiến độ chung của Dự án bị ảnh hưởng là đương nhiên, chủ đầu tư chịu áp lực, nhà thầu cũng gặp khó khăn vì phải điều chỉnh nhân lực, máy móc, thiết bị nếu không muốn bị “đắp đống” gây lãng phí, trong khi đất lậu có thể được trà trộn vào công trường nếu không kiểm soát chặt…

“Soi” kỹ thiết kế thi công và báo cáo của chủ đầu tư, trong đó có thông tin: Dự án có tổng khối lượng đào nền  4.757.000m3; đắp nền 3.663.000m3 và tận dụng khối lượng đất đào điều phối sang đắp nền K95, K98; ngoài khối lượng đất đủ tiêu chuẩn tận dụng từ đào chuyển sang đắp, Dự án cần mua thêm 673.810m3 đất…, tôi thấy lượng đất san lấp thiếu không nhiều so với tổng khối lượng đắp nền đường. Vậy tại sao lại “căng thẳng” thế, cứ điều phối nội bộ đi, đồng thời tìm nguồn đất hợp pháp bổ sung sau – Tôi nghĩ.

Đại diện đơn vị tư vấn giám sát giải thích ngay: Vì chưa thông tuyến anh ạ. Vậy nên xe vận chuyển đất điều phối nội bộ Dự án từ cuối tuyến thuộc các xã miền núi của Phổ Yên và huyện Đại Từ xuống đầu tuyến (khu vực thấp hơn) phải chạy qua đường dân sinh, đường nhỏ lại vòng vèo nên rất xa, chi phí quá lớn, chưa tính còn ảnh hưởng đến môi trường, an toàn giao thông…

Trong khi đó, anh Trường - một chỉ huy công trường của nhà thầu Hoàng Sơn (1 trong 3 doanh nghiệp tham gia Liên danh nhà thầu) than thở: Có đoạn tuyến chúng tôi đang thi công vì nhiều đồi núi nên thừa đất, lại phải giải “bài toán” tìm chỗ đổ tạm hoặc chưa san gạt vị trí đó, việc đổ thải đất bóc hữu cơ có lúc cũng gặp khó khăn.

Công trường Tuyến đường liên kết.
Công trường Tuyến đường liên kết.

Nền đường trên tuyến còn vướng nhiều vị trí về mặt bằng, nguyên nhân xa hơn nữa là nhiều khu tái định cư phục vụ Dự án cũng bị vướng mặt bằng, chậm tiến độ… Nhưng theo báo cáo và thông tin từ các mũi thi công, có đoạn tuyến đã được giải phóng phần lớn mặt bằng. Vậy mà nhà thầu vẫn liên tục đề nghị, hối thúc cấp, ngành liên quan bàn giao mặt bằng còn lại.

Đại diện Ban Điều hành của Tổng Công ty 319 – Bộ Quốc phòng (thuộc Liên danh nhà thầu), phân tích cho tôi: Thực tế thì có nhiều đoạn tuyến đã được giải phóng và bàn giao cơ bản mặt bằng nhưng lại bị “xôi đỗ” (không liền nhau - PV) nên khó tổ chức thi công đồng loạt. Nhà thầu phải mượn đường dân sinh, mượn đường riêng của người dân, có vị trí chưa thể vận chuyển máy móc, nguyên vật liệu vào thi công…

Giải phóng mặt bằng luôn là một trong những vấn đề khó nhất, mấu chốt nhất của phần lớn dự án. Ở Dự án này, TP. Phổ Yên, nơi có hơn ¾ chiều dài đoạn tuyến đi qua, đã rất quyết liệt nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Có vị trí như tại xã Phúc Thuận: Một ngôi nhà sàn có dấu hiệu được dựng lên chưa lâu, lợp mái tôn, chình ình chắn ngang 2 đoạn nền đường. Anh Đinh Việt Năng, cán bộ Ban Điều hành Dự án của chủ đầu tư, nói với tôi: Xây dựng đón đền bù đấy anh, giải quyết không dễ chút nào.

Cùng anh Năng “tua tuyến” một buổi, tôi hiểu thêm: Người của chủ đầu tư không chỉ giám sát, chỉ đạo nhà thầu, hoàn chỉnh hồ sơ thanh quyết toán… mà còn trực tiếp, thường xuyên tham gia dân vận để giải phóng mặt bằng. Anh năng và nhiều cán bộ của Ban sau thời gian ngắn triển khai Dự án đã thông thuộc địa bàn, biết tên tuổi, biết nhà của các hộ không khác người dân địa phương…

Một chuyến đi vỡ vạc ra nhiều điều. Vậy nên nhà báo không thể chỉ dựa vào những số liệu, thông tin trong báo cáo, tác nghiệp kiểu “sa lông”, hoặc “alo” rồi viết những bài báo kiểu: Tăng cường, đẩy mạnh, quyết liệt, quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu… Nhà báo không được quan liêu.