Ca sĩ, diễn viên, bác sĩ, MC và những người nổi tiếng nói chung có tầm ảnh hưởng lớn về nhiều mặt, trong đó có quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Lợi dụng điều này, nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN), thuốc chữa bệnh đã được một số người nổi tiếng thổi phồng về công dụng, quảng cáo và bán tràn lan trên mạng. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng bị nhầm lẫn, lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang” khi mua về sử dụng.
Hình ảnh của MC Hoài Anh bị cắt ghép, xuất hiện trong video quảng cáo sữa non Grandsure Gold. Ảnh: MXH |
Quảng cáo “lố”
Không khó để bắt gặp những video quảng cáo sữa, thuốc, TPCN có hình ảnh của một số người nổi tiếng trên Internet, nhất là mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok. “Lố” là ở chỗ, nhiều bệnh mạn tính (như: gút, thoái hóa xương khớp, đĩa đệm…) đến y học hiện đại cũng khó chữa dứt điểm thì các sản này lại được giới thiệu là “chữa khỏi hoàn toàn”.
Trên các trang Facebook gần đây, MC Cát Tường đã dùng nhiều lời lẽ “có cánh” khi giới thiệu sữa Grandsure Gold. Chị nói: “Những ai có vấn đề về thoái hóa khớp, loãng xương đã dùng đủ các kiểu thuốc mà không đỡ thì nên dùng thử Grandsure Gold. Bản thân mình uống chưa hết một hộp đã thấy kết quả. Với những bệnh lý về xương khớp, nhẹ thì một tuần, nặng thì 2 tuần là thấy cải thiện rõ rệt. Cảm giác tuyệt vời chưa thể lột tả hết về những gì sản phẩm sữa này mang lại…”.
Cũng liên quan đến sữa non Grandsure Gold, ở một video clip khác có hình ảnh của MC Hoài Anh (Đài Truyền hình Việt Nam), lời giới thiệu của PGS.TS Đoàn Văn Đệ cùng nhiều người từng sử dụng đánh giá về sản phẩm này. Trên góc trái của clip có đặt logo VTV để… “tăng độ uy tín”. Tuy nhiên, chỉ cần tinh ý một chút cũng có thể nhận thấy nội dung video đã bị cắt ghép, không liền mạch.
Liên quan tới Thái Nguyên, trên mạng Facebook cũng có một trang có tên “Điều trị huyết áp cao”. Ngay phần giới thiệu đầu trang là chân dung, hình ảnh Giấy khen của Hội Đông y huyện Đồng Hỷ trao cho lương y Triệu Văn Tiến, ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) vì có thành tích xuất sắc trong công tác đông y. Các video tại đây cũng lồng ghép logo VTV1, giới thiệu cam kết chữa dứt điểm, không tái phát bệnh huyết áp cao bằng bài thuốc gia truyền. Thực tế đây là quảng cáo một loại thuốc có tên “Huyết Mạch Tâm An”.
Bức xúc về vấn đề này, ông Triệu Văn Tiến từng trả lời cơ quan báo chí rằng mình không phải “thần y”, không bào chế ra “Huyết Mạch Tâm An” và bị một nhóm người từ nơi khác tới liên hệ quay phim, sử dụng hình ảnh quảng cáo sai sự thật…
Hình ảnh ông Triệu Văn Tiến, ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) trong quảng cáo sản phẩm “Huyết Mạch Tâm An” trị huyết áp cao. Ảnh: MXH |
“Diễn viên đóng thế”
Chuyện các nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo thuốc, TPCN vốn không còn xa lạ, nhất là khi mạng xã hội bùng bổ như hiện nay. Nhiều trường hợp nghệ sĩ như: Hồng Vân, Quyền Linh, Quang Thắng, Đan Trường, Lê Dương Bảo Lâm… từng phải xin lỗi vì quảng cáo không đúng sự thật. Cũng không ít trường hợp bị “mạo danh”, cắt ghép hình ảnh để quảng cáo thuốc và TPCN trôi nổi. Những khán giả ít dùng mạng xã hội, nhất là người cao tuổi, ở vùng nông thôn, thường dễ mắc phải cái bẫy tinh vi này.
Bên cạnh việc “mượn danh” người nổi tiếng để quảng cáo nhằm thu hút nhiều hơn sự chú ý, một cách làm khác cũng được sử dụng phổ biến nữa là để người dân, người đã từng dùng sản phẩm lên tiếng nhằm lan tỏa thông điệp, “thần thánh hóa” về TPCN. Nắm bắt tâm lý chung của người dùng cho rằng một sản phẩm tốt thì phải có tác dụng với nhiều người, nên các “diễn viên đóng thế” được mời đến, chia sẻ công dụng của sản phẩm do chính mình “trải nghiệm”.
Trong video quảng cáo “Huyết Mạch Tâm An”, một người đàn ông mặc quân phục, trên ngực đeo rất nhiều huân, huy chương, nói: “Chú bị huyết áp cao lâu năm lắm rồi, nhờ bạn bè giới thiệu về sản phẩm của thầy Tiến ở Thái Nguyên, chú mới dùng có 2 tháng mà đã hết hẳn triệu chứng tức ngực, khó thở. Mất bao nhiêu công dùng thuốc tây, cuối cùng chỉ thuốc ta mới có hiệu quả”. Còn với sữa hạt Ovisure Gold, một người phụ nữ cao tuổi giới thiệu: “Sau khi dùng 1 tháng, tôi cảm thấy thoải mái, tay đã hết hẳn đau nhức, chân cũng giảm 70-80%...”.
Do tình trạng thuê “diễn viên” quảng cáo bán hàng online nên mới có chuyện nực cười về “người đàn ông nhiều bệnh nhất Việt Nam” mà Đài Truyền hình Việt Nam từng có phóng sự phản ánh. Đó là ông Nguyễn Anh Tạo, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Nhận thù lao chỉ vài trăm nghìn đồng với mỗi video clip, ông Tạo đã “hóa thân” thành nhiều nhân vật, mắc cả trăm thứ bệnh, từ xương khớp, tiểu đường đến huyết áp cao, viêm gan, xơ gan…, mà bệnh nào cũng nặng đến mức “thập tử nhất sinh”, nhưng rồi tất cả đều được “chữa khỏi hoàn toàn” bởi các loại TPCN (?!).
Từ thực tế có thể thấy, tình trạng “nở rộ quảng cáo” về các loại thuốc, TPCN trên mạng xã hội liên quan đến hình ảnh của một số người nổi tiếng trong thời gian qua một phần xuất phát từ sự thiếu ý thức, trách nhiệm với cộng đồng. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc kêu gọi lương tâm của chính những người tham gia quảng cáo thì cũng cần có quy định, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn, nhất là với việc lợi dụng hình ảnh để quảng cáo sai sự thật. Về phía người tiêu dùng cũng cần thận trọng, tìm hiểu thật kỹ qua nhiều kênh thông tin khác nhau trước khi mua hàng, để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Tháng 1/2023, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh vấn nạn “thần dược” giả, đặc biệt là lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo TPCN có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Trong đó, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội; chủ trì, phối hợp với các bộ: Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, cùng UBND các tỉnh, thành phố tiến hành điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng… |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin