Kỳ 2: Không để khối doanh nghiệp "trắng" tổ chức Đoàn
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100 nghìn công nhân, người lao động, trong đó hơn 55 nghìn người lao động trong độ tuổi dưới 30. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển tổ chức Đoàn Thanh niên (ĐTN). Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh mới thành lập được 150 cơ sở đoàn trong các doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước, với tổng số 4.779 đoàn viên. Con số này quá nhỏ so với số lượng thanh niên đang làm việc tại khối DN này.
Đoàn viên thanh niên Công ty TNHH KH HEAT Technology Thái Nguyên trao đổi nghiệp vụ chuyên môn. |
Việc thành lập và phát triển tổ chức Đoàn trong các DN ngoài Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động trong độ tuổi Đoàn. Không để khối DN này “trắng” tổ chức Đoàn là mục tiêu đề ra của cả tổ chức Đảng và ĐTN.
Còn nhiều rào cản
Tiềm năng lớn nhất hiện nay để phát triển tổ chức ĐTN chính là các DN đang hoạt động trong khu công nghiệp (KCN) do Ban Quản lý các KCN tỉnh quản lý. Thái Nguyên hiện có 270 dự án đang triển khai tại các KCN. Trong số này, 190 DN đã hoạt động sản xuất - kinh doanh, với tổng số gần 100 nghìn công nhân, lao động (lao động trong độ tuổi thanh niên chiếm khoảng 65%).
Để đẩy mạnh việc phát triển tổ chức Đoàn tại các DN, năm 2022, Đảng ủy các KCN tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2027, 30% DN đang hoạt động có tổ chức ĐTN; đến năm 2030, 50% DN có tổ chức Đoàn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, cho rằng: Chúng tôi xác định rõ tổ chức ĐTN là nơi tập hợp, giáo dục thanh niên; định hướng, tạo sân chơi để lực lượng đoàn viên phát huy sức trẻ, đóng góp vào các phong trào, sự phát triển của DN. Qua đây tạo nguồn để giới thiệu cho các Đảng xem xét bồi dưỡng kết nạp đảng viên. Tuy nhiên, thực tế công tác tuyên truyền, vận động phát triển ĐTN hiện nay còn gặp khó khăn, dù nhu cầu của thanh niên được sinh hoạt trong tổ chức Đoàn là có, song chủ DN, đặc biệt là các DN FDI, hầu hết chỉ quan tâm đến sản xuất - kinh doanh và lợi nhuận. Nguyên tắc của các DN này là có làm có hưởng, nếu anh đi sinh hoạt Đoàn, nghỉ việc buổi hôm đó là không có lương…
Ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên: Hiện nay, nhiều DN nằm trong các KCN nhưng không thuộc quản lý về tổ chức Đảng, đoàn thể của Ban Quản lý. Chúng tôi đề xuất tỉnh có sự chỉ đạo để thống nhất về một đầu mối, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động… |
Đồng chí Nguyễn Tuấn Hoàng, Phó Bí thư ĐTN Ban quản lý Dự án xây dựng KCN Điềm Thụy (Phú Bình), chia sẻ thêm: Thực tế khi đi vận động các DN thành lập tổ chức Đoàn, có những đơn vị chúng tôi đã đến 4-5 lần nhưng họ đều từ chối. Việc thành lập tổ chức ĐTN hiện nay chủ yếu dựa vào quá trình vận động. Trong khi phần lớn chủ DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chưa thực sự tạo điều kiện cho việc phát triển tổ chức Đoàn.
Ngoài những rào cản kể trên thì phần lớn các DN FDI đều thuê người làm công tác quản lý, chủ DN ở nước ngoài nên việc tiếp cận tuyên truyền, vận động rất khó khăn.
Tại nhiều DN, lực lượng đoàn viên, thanh niên là công nhân phải làm việc theo ca nên khó bố trí thời gian để tham gia sinh hoạt. Đa số các đơn vị không muốn hoạt động của Đoàn lấn vào quỹ thời gian, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng công việc và trực tiếp là thu nhập của người lao động. Do đó, việc tuyên truyền thành lập tổ chức ĐTN càng khó khăn hơn.
Hoạt động Đoàn trong một số DN còn hạn chế
Ngoài những khó khăn nêu trên, theo đánh giá của Tỉnh đoàn Thái Nguyên, thực trạng hoạt động của ĐTN trong các DN khu vực ngoài Nhà nước những năm gần đây còn nhiều mặt tồn tại.
Các hoạt động tuyên truyền về vai trò của Đoàn - Hội đến với DN (đặc biệt là chủ DN) của các cấp bộ Đoàn địa phương còn hạn chế. Vì vậy, việc tập hợp thanh niên ở một số khu vực, lĩnh vực gặp khó khăn. Công tác xây dựng tổ chức Đoàn tại các DN, đặc biệt là DN ngoài Nhà nước, so với với số lượng thanh niên và DN đang hoạt động còn thấp.
Bên cạnh đó là sự biến động lao động của các DN, dẫn đến thay đổi nhân sự chủ chốt của nhiều cơ sở Đoàn, khiến một số đơn vị rơi vào tình trạng ngưng hoạt động; một số khác mới thành lập được bộ khung nhưng thực tế không có hoạt động.
Đoàn viên, thanh niên xã Thành Công (TP. Phổ Yên) và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên phối hợp dọn dẹp vệ sinh môi trường hưởng ứng Ngày Nước thế giới. |
Hiện nay, tổng số cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh là 473, với 93.467 đoàn viên. Trong đó, số lượng đoàn viên trong các DN ngoài Nhà nước rất ít, chỉ có 4.779 người. Ngay như tại các KCN tỉnh hiện đã có 190 dự án đi vào hoạt động nhưng ĐTN các KCN tỉnh mới phát triển được 7 chi đoàn trực thuộc, với hơn 200 đoàn viên.
Giải pháp lâu dài
Trung tuần tháng 2 vừa qua, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, phát triển tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể trong các DN trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đề nghị các đại biểu thẳng thắn trao đổi, đánh giá đúng thực trạng để khẳng định kết quả đạt được trong phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN; chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; dự báo tình hình và xu thế phát triển; nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể và phát triển đảng viên trong các DN, nhất là DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài...
Trước gợi mở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đã có nhiều ý kiến thẳng thắn đề nghị: Đối với Ban Quản lý các KCN tỉnh cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc thành lập và phát triển tổ chức Đoàn - Hội trong các DN ngoài Nhà nước. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quan tâm, có cơ chế hỗ trợ nguồn lực thực hiện công tác phát triển tổ chức đoàn thể trong các DN trong giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Dương Mạnh Hà, Trưởng Ban Xây dựng Đoàn, Tỉnh đoàn Thái Nguyên: Cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc thành lập và phát triển tổ chức Đoàn, Hội trong các DN ngoài Nhà nước. |
Có ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của chủ DN về phát triển tổ chức đảng và các đoàn thể mới là điểm mấu chốt. Vì vậy, ngay trong quá trình thu hút các DN (đặc biệt là DN FDI) đầu tư vào tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan cần tập trung tuyên truyền để DN thấy được những lợi ích khi thành lập tổ chức đoàn thể trong DN, từ đó ủng hộ việc phát triển các tổ chức này.
Mặt khác, các cấp bộ Đoàn cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động trong DN. Để thực hiện được mục tiêu đó, các cấp bộ Đoàn cần có những giải pháp cụ thể hơn. Đó là hoạt động Đoàn phải đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù của DN, nhu cầu của thanh niên công nhân, bám sát phương châm hài hòa giữa lợi ích của DN và tổ chức Đoàn; thường xuyên phối hợp cùng các DN tổ chức hoạt động giao lưu, an sinh xã hội, thiện nguyện... để tạo sự gắn kết, đặt nền móng cho việc xây dựng tổ chức Đoàn trong các DN ngoài Nhà nước.
Bên cạnh đó, các hoạt động phong trào, hoạt động chuyên môn cũng cần chú trọng lồng ghép dựa trên đặc thù từng ngành; tập trung vào các phong trào như: Thi đua lao động sản xuất, nâng cao tác phong nghề nghiệp; hỗ trợ đoàn viên, thanh niên học tập nâng cao trình độ, tay nghề… Những hoạt động này sẽ giúp minh chứng được vai trò của tổ chức ĐTN trong sự phát triển của các DN, tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn phát triển và hoạt động hiệu quả.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin