Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt; nhu cầu đỗ xe, mua bán lớn trong khi hạ tầng thương mại – dịch vụ chưa theo kịp; lực lượng làm nhiệm vụ thường xuyên mỏng… là những nguyên nhân chính khiến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh, đỗ xe trái phép trên địa bàn TP. Thái Nguyên luôn phổ biến. Trước điệp khúc “đuổi – chạy” rồi đâu lại vào đấy như "ném đá ao bèo", nhiều người đặt câu hỏi: Giải pháp nào khả thi và bền vững hơn?.
Việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị tại đường Bến Oánh. |
Vỉa hè, lòng đường thành… chợ
2 bên vỉa hè, thậm chí một phần lòng đường Bến Oánh (thuộc phường Trưng Vương và phường Túc Duyên) lâu nay bị các tiểu thương chiếm dụng để bày bán nhiều loại hàng hóa, từ rau củ, thịt cá, hàng khô, hoa quả đến đồ ăn chín… Nhiều người bán hàng rong, xe đẩy cũng tập trung về đây, người mua hàng thì vô tư đỗ xe dưới lòng đường gây cản trở giao thông, tạo nên khung cảnh nhếch nhác, lộn xộn.
Trong số tiểu thương kinh doanh tại đây, nhiều người là nông dân ở các nơi đem bán những sản phẩm họ nuôi trồng được; nhiều người là phụ nữ lớn tuổi, dựa vào gánh hàng để duy trì cuộc sống. Họ không có điều kiện để mua một quầy kinh doanh trong chợ, có người thì bảo bán hàng ở vỉa hè lâu thành quen.
Bà Nguyễn Thị Tính, ở tổ 4, phường Trưng Vương, người bán rau dưa tại vỉa hè đường Bến Oánh, giãi bày: Tôi già cả lại không có lương hưu nên phải ra đây bán hàng kiếm sống, ngày nhiều thì lãi được khoảng 100 nghìn đồng, cán bộ nhắc nhở thì lại kéo hàng thụt vào một chút… Còn bà Nguyễn Thị Dung ở tổ 1, phường Gia Sàng, bán đậu phụ ở khu vực này, cho biết có tháng bà bị phường xử phạt 2 lần vì lấn chiếm vỉa hè.
Khu vực chợ Đán (đường Quang Trung, phường Thịnh Đán) nhiều năm qua cũng là một điểm nóng về tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Việc chợ Đán chật chội, xuống cấp (diện tích 4.000m2 và hiện có khoảng 80 hộ kinh doanh), trong khi nhu cầu mua bán lớn là nguyên nhân chính khiến vỉa hè khu vực này lâu nay mặc nhiên biến thành chợ.
Những người bán hàng ở đây đều biết rõ việc họ lấn chiếm vỉa hè là vi phạm, chấp nhận khi “đen đủi” bị cơ quan chức năng xử lý, nộp phạt rồi lại vi phạm. Bà Nguyễn Thị Na, ở tổ 2, phường Thịnh Đán, nói: Tôi bán rau ở đây nhiều năm rồi, riêng cuối năm ngoái tôi bị phường phạt 4 lần. Biết như này là vi phạm nhưng tôi không có nghề gì khác, không muốn ăn bám con cháu nên đành vậy…
Lòng đường, vỉa hè tại khu vực Bệnh viện A Thái Nguyên thường xuyên bị lấn chiếm. |
Trên địa bàn TP. Thái Nguyên còn nhiều khu vực cũng thường xuyên diễn ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng, đỗ xe trái phép, như: Đường Bến Tượng, ngã 5 Tỉnh ủy, khu vực chợ Dốc Hanh, Bệnh viện A, chợ Ga, chợ Phú Thái, chợ Chùa Hang, đường Lê Quý Đôn… Việc giải quyết tình trạng này luôn là một “bài toán” khó với cơ quan chức năng.
Lực lượng quá mỏng
Phường Thịnh Đán hiện có khoảng 12.000 người thường trú, hoạt động xây dựng và thương mại – dịch vụ khá nhộn nhịp, trên địa bàn lại có một số điểm nóng về chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, nhưng chỉ có một cán bộ bán chuyên trách (anh Từ Anh Tuấn, mức phụ cấp 2,4 triệu đồng/tháng) làm nhiệm vụ duy trì trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.
Theo quy định thì lực lượng có trách nhiệm tham gia công tác này gồm cả Công an phường, công chức địa chính, tư pháp, dân phòng, bảo vệ dân phố… nhưng việc tổ chức phối hợp, ra quân thường xuyên gặp khó khăn và không đủ lực lượng vì còn nhiều nhiệm vụ khác.
Anh Từ Anh Tuấn cho biết: Tôi chỉ có thể đi nhắc nhở, vận động người bán hàng không lấn chiếm hàng lang giao thông, không thể lập biên bản, tạm giữ tang vật của họ vì không đủ thẩm quyền, kể cả có thẩm quyền thì khi đi làm nhiệm vụ một mình tôi cũng không thực hiện được…
Lực lượng chức năng của phường Quang Trung tạm giữ tang vật lấn chiếm vỉa hè đường Lê Quý Đôn. |
Cũng như nhiều đô thị khác, TP. Thái Nguyên đã thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông (từ năm 2005). Đội có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về xây dựng, trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Hoạt động của Đội đã góp phần rất đáng kể vào việc đảm bảo đường thông, hè thoáng, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về xây dựng đô thị văn minh.
Tuy nhiên, từ khoảng 3 năm trở lại đây, lực lượng của Đội từ gần 30 người giảm xuống chỉ còn 5 người thường xuyên làm nhiệm vụ, do phải cắt giảm toàn bộ hợp đồng lao động theo yêu cầu tinh giản bộ máy. Tổ trật tự xây dựng, giao thông và vệ sinh môi trường của các phường trung tâm thành phố trước kia thường có 3 cán bộ nay chỉ còn 1 người bán chuyên trách.
Cùng với việc bị cắt giảm phần lớn lực lượng, cán bộ của Đội không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt nên phải phối hợp khi thực thi công vụ. Những hạn chế này khiến công tác quản lý lòng đường, vỉa hè, đảm bảo mỹ quan đô thị trên địa bàn khó càng thêm khó.
Giải pháp nhiều nhưng chưa bền vững
Để lập lại trật tự, duy trì đường thông hè thoáng, TP. Thái Nguyên chỉ đạo các phường, xã và cơ quan chuyên môn triển khai quyết liệt các giải pháp, tổ chức nhiều đợt ra quân cao điểm, huy động nhiều lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở thường xuyên, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động, cho người dân ký cam kết, kiên quyết xử lý các vi phạm…
Trong quý I/2023, lực lượng chức năng của TP. Thái Nguyên đã vận động 400 cá nhân, gia đình, đối tượng kinh doanh, doanh nghiệp… ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường; tháo dỡ 250 băng rôn, tờ quảng cáo rao vặt, mái che di động, mái vẩy các loại; tạm giữ 204 tang vật vi phạm; lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 65 trường hợp với tổng số tiền 15,25 triệu đồng. |
Thành phố cũng đã đầu tư chỉnh trang lại một số đoạn vỉa hè từng là điểm nóng bị lấn chiếm thường xuyên như khu vực Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A; đề nghị tỉnh phê duyệt một số vị trí đỗ xe công cộng… Những giải pháp đó đã đem lại kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên chưa bền vững, vỉa hè, lòng đường nhiều nơi vẫn thường xuyên bị chiếm dụng.
Như chúng tôi nêu ở trên, ngoài những nguyên nhân “cố hữu” thì lực lượng làm nhiệm vụ thường xuyên hiện quá mỏng khiến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn TP. Thái Nguyên vẫn tràn lan. Mới đây, thành phố đã quyết định phân bổ thêm 9 biên chế viên chức cho Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông, chuẩn bị tổ chức tuyển dụng. Đây sẽ là một giải pháp giúp công tác này đi vào nền nếp hơn.
Theo ông Nguyễn Hữu Quang, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng và giao thông TP. Thái Nguyên, từ năm 2021, thành phố đã chỉ đạo xây dựng Phương án sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn, rà soát, đề xuất mức giá cụ thể cho từng tuyến phố, khu vực để người dân bày bán hàng hóa, đỗ xe. Nguồn kinh phí thu được sẽ dùng để trả lương thuê khoán lao động làm công tác này. Tuy nhiên đến nay, Phương án vẫn chưa được các ngành liên quan thống nhất trong thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Bà Lê Thị Phương, tiểu thương kinh doanh tại phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên): “Nếu thu phí sử dụng vỉa hè, tôi đồng ý ngay vì bất đắc dĩ mới phải bày bán ngoài vỉa hè như này. Mỗi khi lực lượng chức năng đi kiểm tra, tôi lại không bán hàng được và còn bị xử phạt”. |
Nhiều người cho rằng, phương án này là một giải pháp quản lý bền vững, vừa duy trì trật tự lòng đường, vỉa hè, vừa đảm bảo nguồn sống cho hàng nghìn người đang dựa vào kinh doanh vỉa hè (thực tế, TP. Thái Nguyên đã triển khai thu phí kinh doanh vỉa hè, lòng đường vào các dịp lễ, tết, thông qua việc tổ chức chợ hoa, chợ tạm). Đồng thời với đó là quan tâm đầu tư hạ tầng các khu chợ truyền thống, thu phí kinh doanh vỉa hè bằng hoặc cao hơn trong chợ để người dân vào chợ mua bán.
Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ tỉnh Thái Nguyên, nêu quan điểm: Chúng ta cần phân định rõ khu vực nào có thể bày bán hàng và không gian dành cho người đi bộ; tổ chức thu phí công khai, minh bạch, xử phạt nghiêm minh những trường hợp cố tình lấn chiếm ngoài phạm vi được cấp phép…
Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ Thái Nguyên: "Tại một số thành phố lớn, việc tạo các bãi đỗ xe mini đã được triển khai. Cụ thể, đối với những trục đường phố chính có bề rộng vỉa hè lớn, chúng ta có thể mở rộng lòng đường tạo thành một điểm đỗ xe mini và cứ cách 500m bố trí một điểm đỗ như vậy". |
Hiện nay, chưa nhiều đô thị trên cả nước tổ chức thu phí kinh doanh tạm thời vỉa hè bởi còn những khó khăn, vướng mắc không dễ giải quyết, tuy nhiên đây luôn là một giải pháp được tính đến. Nhưng suy cho cùng, dù áp dụng giải pháp nào, ý thức của người dân vẫn là yếu tố quyết định một đô thị có văn minh hay không.
Loay hoay “giành lại vỉa hè” Không chỉ Thái Nguyên, các đô thị lớn trên cả nước đều triển khai nhiều giải pháp nhằm giành lại vỉa hè cho người đi bộ, thậm chí công tác này đã trở thành một “chiến dịch” có quy mô cấp tỉnh với sự vào cuộc quyết liệt của nhiều lực lượng. Thủ đô Hà Nội đang đẩy mạnh chiến dịch giành lại vỉa hè, trước hết tập trung tuyên truyền, vận động người dân, tiếp đến là xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Sau 15 ngày ra quân, Công an TP. Hà Nội đã xử lý 14.252 trường hợp về trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 9,7 tỷ đồng; xử lý 5.921 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, phạt tiền 2,6 tỷ đồng. Nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, tránh điệp khúc “đuổi chạy”, hay xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, TP. Hồ Chí Minh dự định sẽ cho sử dụng vỉa hè để làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, nơi trung chuyển vật liệu xây dựng, phế thải... có thu phí, sau khi đã dành đủ chiều rộng tối thiểu 1,5m cho người đi bộ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hiệu quả của việc thu phí cần được tính toán kỹ. Bởi lẽ, trước đây, TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng việc thu phí đỗ xe ô tô tại một số khu vực là lòng đường, vỉa hè, dự kiến thu về hàng trăm tỷ nhưng khi triển khai thì chính quyền phải chi ngân sách bù lỗ để trả tiền công cho đội ngũ thu phí. Bên cạnh đó, việc tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè sẽ vô hình trung khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh ở lòng lề đường và hè phố, nguy cơ gây cản trở giao thông lớn hơn nếu không được quản lý chặt chẽ, khoa học. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin