Trong tháng 3-2023, doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đạt 132 tỷ đồng. Lũy kế đến hết quý I đạt 249 tỷ đồng, với 5.808 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Trong khi tổng nhu cầu nguồn vốn cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2022 và 2023 là 1.058 tỷ đồng, thì đến nay, mới được đáp ứng khoảng 20% (ảnh minh họa). |
Cũng tính đến cuối tháng 3, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.211 tỷ đồng, tăng 69 tỷ đồng so với cuối năm 2022 (tương ứng tăng 1,66%). Dư nợ tín dụng tập trung vào 6 chương trình, gồm: Cho vay hộ nghèo (gần 585 tỷ đồng); hộ cận nghèo (gần 630 tỷ đồng); hộ mới thoát nghèo (572 tỷ đồng); giải quyết việc làm (684 tỷ đồng); hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn (593 tỷ đồng); nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (872 tỷ đồng).
Thái Nguyên hiện là địa phương có mức tăng trưởng tín dụng thấp so với bình quân chung toàn hệ thống. Nguyên nhân do tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của tỉnh giảm 1,79% so với năm 2022 (hiện còn 4,35%); hộ cận nghèo giảm 1,19% (hiện còn 3,64%); số xã vùng khó khăn giảm 11 xã (hiện còn 16 xã) nên đối tượng vay vốn giảm.
Cùng với đó là chương trình cho vay nhà ở xã hội, do tỉnh chưa có khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp nên chưa triển khai cho vay được đối với các trường hợp mua, thuê nhà ở xã hội. NHCSXH tỉnh chỉ cho vay được đối với khách hàng xây mới hoặc sửa chữa nhà để ở (dư nợ chương trình này hiện đạt 73 tỷ đồng, nguồn vốn còn gần 30 tỷ đồng). Trong khi đó, chương trình vay giải quyết việc làm nhu cầu rất lớn nhưng nguồn vốn mới chỉ đáp ứng được một phần.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin