Thi công xây dựng cơ bản vùng miền núi luôn cần nhiều đất đắp nhưng cũng phải san ủi nhiều đồi, núi. Vấn đề tưởng như chỉ cần lấy chỗ thừa đắp vào chỗ thiếu là xong. Tuy nhiên, thực tế, tại ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, đây vẫn luôn là vấn đề “đau đầu” với ngành chức năng.
Hiện nay, các địa phương này đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để vừa bảo đảm tiến độ thi công các công trình, nhất là công trình giao thông trọng điểm, vừa bảo vệ môi trường.
Dự án đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) có khối lượng đất, đá thải sau san ủi lên tới hàng triệu m3. |
Nguy cơ chậm tiến độ
Thái Nguyên đang khẩn trương thi công hai tuyến đường trọng điểm, đó là đường liên kết vùng Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc dài 42km, vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng và hoàn thiện đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đoạn từ cầu Xuân Phương đến địa phận tỉnh Bắc Giang dài sáu km với vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng.
Tỉnh đang ráo riết chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hai tuyến đường quan trọng này, trong đó tuyến kết nối Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc phấn đấu hoàn thành trước sáu tháng so với hợp đồng.
Tuy nhiên, cả hai dự án này đang nguy cơ cao chậm tiến độ do thiếu đất đắp. Hiện tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc thiếu khoảng 800 nghìn m3 đất.
Nan giải nhất là đoạn còn lại của đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đến địa phận tỉnh Bắc Giang phần lớn đi qua cánh đồng trũng, thấp, lượng đất phong hóa phải nạo vét, sau đó bù đất làm nền, tôn cao đồng mức thiết kế rất lớn. Tuy nhiên, trên địa bàn các huyện Phú Bình, Đại Từ và thành phố Phổ Yên rất ít mỏ đất, các mỏ đang hoạt động sản lượng không đủ đáp ứng.
Nếu như Thái Nguyên đang thiếu hụt đất đắp trầm trọng thì tại Bắc Kạn, Cao Bằng lại thừa đất đào. Do đặc thù địa hình chia cắt mạnh, quá trình thi công các dự án ở hai địa phương này luôn rất khó khăn khi xử lý đất, đá thải sau san ủi. Toàn bộ các dự án giao thông đều phải quy hoạch, xây dựng các bãi đổ đất, đá thải sau san ủi với khối lượng rất lớn. Riêng năm 2023, ước tính khối lượng đất, đá thải sau san ủi tạo mặt bằng thi công các dự án ở Bắc Kạn lên tới hơn 4 triệu m3.
Quá trình thi công, không tránh khỏi việc đất, đá sau san ủi không được thu gom hết, bị rơi vãi dọc đường gây ô nhiễm. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng đất thải đổ xuống suối làm thay đổi dòng chảy.
Việc có quy hoạch bãi đổ thải nhưng không thực hiện được hoặc chậm đưa vào sử dụng do vướng giải phóng mặt bằng là tình trạng khá phổ biến. Điều này dẫn tới hệ lụy, để “giải tỏa” áp lực về tiến độ thi công, giải ngân, một số nhà thầu đã tự thỏa thuận với hộ dân có nhu cầu đắp đất để đổ đất, đá thải.
Tại huyện Bạch Thông, dự án thi công trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bạch Thông thừa đất, đá sau san ủi, phải loay hoay tìm chỗ đổ đất, đá thải mất rất nhiều thời gian. Quá trình thi công, nhà thầu còn tự ý đổ thải trái phép cho một số hộ dân có nhu cầu tại thôn Nà Phát, xã Tân Tú.
Đáng nói hơn là nhà thầu này còn đổ đất, đá thải sau san ủi từ dự án này để làm đất đắp cho dự án đường nội thị thị trấn Phủ Thông cách đó gần 1km. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn, việc tự ý lấy đất đắp từ công trình thi công trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân huyện là vi phạm Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; thực hiện không đúng khoản 2, Điều 37, Luật Bảo vệ môi trường.
Thiếu nơi đổ đất, đá thải sau san ủi cũng diễn ra tương tự ở Cao Bằng. Các doanh nghiệp tại địa phương này kiến nghị, khi khảo sát, thiết kế, lập dự án đối với một số dự án cấp huyện làm chủ đầu tư đã không xác định rõ vị trí, cự ly và trữ lượng bãi đổ thải gây khó khăn trong quá trình thi công.
Đối với thi công đường giao thông, cần khối lượng đất lớn để đào, đắp nền đường, cũng chưa xác định rõ vị trí mỏ đất khiến đơn vị thi công gặp khó khăn, lúng túng và phải “tự bơi” để tìm nguồn cung cấp đất đắp nền. Những bất cập nêu trên khiến một số doanh nghiệp, trong quá trình thi công dự án khó chấp hành, thực hiện tốt yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về quản lý, khai thác và vận chuyển đất san lấp khi san gạt cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh.
Vấn đề nan giải nhất đối với tỉnh thừa đất đào và tỉnh thiếu đất đắp là thời gian hoàn thành thủ tục bãi đổ thải và mỏ đất đều rất lâu, kéo dài từ một đến hai năm. Trong khi đó áp lực giải ngân bao giờ cũng lớn, làm chậm có thể bị thu hồi vốn đầu tư càng khiến cho nguy cơ đổ trộm, đào trộm tăng cao.
Khẩn trương tháo gỡ
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên Ngô Mạnh Cường cho biết: “Chủ đầu tư và các nhà thầu có giải pháp điều phối đất trong phạm vi dự án đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc thiếu, đào đất từ những đoạn qua đồi, núi, đèo dốc đưa sang san lấp những nơi thiếu. Tuy nhiên, việc vận chuyển đất từ nơi thừa sang nơi thiếu với khoảng cách dài hàng chục km, phải đi vòng do chưa thông tuyến nên tăng chi phí, ảnh hưởng đến dân sinh”.
Tỉnh Thái Nguyên điều phối đất từ nơi thừa sang nơi thiếu để đẩy nhanh tiến độ thi công đường liên kết với Bắc Giang và Vĩnh Phúc. |
Còn tại tuyến đường Vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải Hoàng Hữu Sơn chia sẻ: “Mặc dù cự ly vận chuyển xa, tăng chi phí, nhưng để có đất san lấp, chúng tôi đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện các thủ tục cấp phép sử dụng, tận dụng đất thừa tại các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để vận chuyển về thi công tuyến đường, tránh tình trạng phương tiện, thiết bị, nhân lực nằm chờ, trong khi đó dự án không được triển khai”.
Tỉnh Thái Nguyên đang chỉ đạo thành phố Phổ Yên và huyện Đại Từ thành lập các Tổ công tác do lãnh đạo cấp ủy, chính quyền làm tổ trưởng để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể đối với từng đoạn, vấn đề, trường hợp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Khi thông tuyến, việc điều phối thừa, thiếu đất san lấp được khắc phục, tạo thuận lợi cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.
Đối với các tỉnh đang thừa đất sau san ủi như Bắc Kạn, việc quy hoạch, bố trí, thu hồi đất để xây dựng các bãi đổ đất, đá thải sau san ủi rất khó khăn. Diện tích rừng tự nhiên lớn, dù ở vị trí nào cũng rất dễ ảnh hưởng tới rừng, gây khó khăn cho việc bảo vệ môi trường.
Trước tình hình này, trong tháng 3, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, thường xuyên tham mưu cho tỉnh chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước đối với chất thải rắn; tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền quyết định vị trí, ranh giới, diện tích và hoạt động của các điểm đổ chất thải rắn.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc hướng dẫn lập và xây dựng, san lấp mặt bằng và sử dụng trong các công trình xây dựng khi đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật theo quy định của pháp luật. Sở Giao thông vận tải hướng dẫn việc sử dụng chất thải rắn làm nguyên liệu, vật liệu trong công trình giao thông, bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường và quy định.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên Đặng Văn Huy cho hay, sở đang phối hợp với các ngành và chính quyền cơ sở, tham mưu cho tỉnh cấp phép khai thác một số mỏ đất trên địa bàn. Sở cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền giảm quy trình, thủ tục cấp phép khai thác đất san lấp, vì hiện tại để được cấp phép một mỏ đất, nhanh nhất cũng mất gần hai năm.
Tỉnh Cao Bằng cũng yêu cầu các đơn vị trong tỉnh khắc phục bất cập bằng cách chủ động quy hoạch, bố trí các mỏ đất trên địa bàn phục vụ các công trình cần khai thác đất để thi công. Đồng thời, bố trí các vị trí bãi đổ thải để nhà thầu tư vấn có căn cứ lập dự toán, đến giai đoạn thi công thì nhà thầu giám sát và nhà thầu thi công thực hiện.
Thực tiễn tại ba tỉnh miền núi này tình trạng thiếu-thừa đất đào, đắp trong xây dựng cơ bản đang bộc lộ nhiều bất cập. Việc rà soát, tính toán phù hợp để bảo đảm sử dụng đất từ nơi thừa chuyển sang cho nơi cần đất đắp đang là rất cần thiết để tránh lãng phí tài nguyên đất và bảo vệ môi trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin