Với mong muốn kiếm thêm thu nhập, đồng thời trải nghiệm cuộc sống, bổ trợ kiến thức và kỹ năng giao tiếp, nhiều sinh viên đã lựa chọn đi làm thêm ngoài giờ học. Ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, những câu chuyện vui, buồn từ công việc làm thêm mang đến cho các em những bài học đầu đời.
Trần Diệu Nhi, sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên) làm thêm tại cửa hàng tạp hóa gần trường. |
Là sinh viên năm thứ 3 Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), Hoàng Mỹ Lệ đã có kinh nghiệm gần 1 năm làm thêm tại các công ty chuyên về du lịch.
Lệ chia sẻ: Công việc của em là dẫn tour cho các đoàn khách, chủ yếu là học sinh, tới một số địa điểm du lịch tại Thái Nguyên và khu vực nội thành Hà Nội. Để cân đối thời gian học tập và làm việc, em chủ động xin công ty nhận các tour vào ngày nghỉ. Công việc làm thêm giúp em rèn luyện kỹ năng hướng dẫn viên du lịch và học cách xử lý các tình huống mà những bài học chuyên ngành không có được.
Còn Trần Diệu Nhi, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, nói: Em đã làm thêm tại một cửa hàng tạp hóa được 4 tháng. Thời gian xoay ca, thu nhập dao động từ 15 đến 20 nghìn đồng/giờ làm việc. Sau thời gian đi làm thêm, em thấy bản thân tự tin hơn trong giao tiếp và biết cách sắp xếp, quản lý thời gian tốt hơn.
Thực tế, từ nhiều năm trước đây, làm thêm đã trở thành công việc phổ biến trong học sinh, sinh viên. Đa số sinh viên thường tận dụng dịp nghỉ hè để tìm việc làm thêm, với những công việc phổ biến như: Nhân viên bán hàng, gia sư, nhân viên giao hàng (shipper) hay phục vụ tại quán ăn, quán cà phê, nhà hàng…
Không thể phủ nhận lợi ích của việc làm thêm đối với sinh viên, như: Có thêm thu nhập, rèn luyện kỹ năng, mở rộng mối quan hệ, tích lũy kinh nghiệm... Tuy nhiên, nhiều sinh viên khi đi làm thêm cũng gặp những tình huống "dở khóc, dở cười". Có người vất vả đi làm thêm nhưng không được trả đúng mức lương theo thỏa thuận. Nguyên nhân là do chủ quán hay người quản lý thường tìm nhiều lý do để trừ lương, thậm chí không trả lương cho sinh viên, như đến muộn, không đạt yêu cầu, thiếu kinh nghiệm…
Trường hợp của Nguyệt Ánh, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên) là một ví dụ. Với mong muốn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và trau dồi kỹ năng, Ánh đã xin vào làm tại một nhà hàng buffet ở gần trường. Mỗi ngày làm việc khoảng 5 tiếng (từ 17 đến 22 giờ), mỗi tiếng được trả công 12.000 nghìn đồng.
Nguyệt Ánh bộc bạch: Lúc thỏa thuận, quản lý nói rằng em chỉ cần phục vụ bàn, nhưng sau đó em phải làm hết mọi việc từ phục vụ bàn, rửa bát đến quét dọn. Nhiều hôm làm quá giờ, nhưng đến khi nhận lương, em bị trừ tiền với mọi lý do như đi muộn, làm hỏng đồ, khách không hài lòng… Thêm nữa, em phải ký hợp đồng 6 tháng mới được nhận lương, nếu nghỉ giữa chừng sẽ phải thanh lý hợp đồng, không được trả tiền. Do vậy, dù rất ấm ức nhưng em phải chấp nhận tiếp tục làm việc.
Không những vậy, không ít trường hợp sinh viên do quá mải mê với công việc làm thêm nên xao nhãng học tập. Theo anh Lê Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên: Đi làm thêm đối với sinh viên là điều khá tốt, giúp các bạn có thêm thu nhập cũng như trau dồi các kỹ năng mềm. Đồng thời, tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành học để tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, các bạn cần sắp xếp hợp lý giữa việc học tập, rèn luyện và làm thêm. Đặc biệt, cần tìm hiểu kỹ công việc, môi trường ở nơi làm việc để có lựa chọn phù hợp với ngành học, thời gian cũng như khả năng của bản thân.
Hiện nay, có nhiều quảng cáo tuyển nhân viên làm thêm với những quyền lợi hấp dẫn. Theo khuyến cáo, trước những thông tin đó, sinh viên cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ tính chất công việc và thời gian làm việc để tránh ảnh hưởng đến học tập. "Nếu cân đối hợp lý giữa việc học và làm thêm, nhất là tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo, sẽ là cơ hội tốt, hành trang quý giá cho các bạn sinh viên sau khi ra trường và tìm kiếm việc làm" - Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên Lê Văn Hiếu nói thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin