Dạy nghề cho lao động nông thôn: Đáp ứng nhu cầu người học

Phạm Ngọc Chuẩn 08:36, 29/06/2023

Từ coi trọng đổi mới trong công tác đào tạo nghề (ĐTN), chất lượng đội ngũ người lao động (NLĐ) Thái Nguyên từng bước được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 72%, cao hơn trung bình toàn quốc 67%. Từ năm 2022 đến hết 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề thực hiện tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp được gần 40.500 người.

Cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy về mô hình đo lường điện đa năng.
Cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy về mô hình đo lường điện đa năng.

Hiệu quả công tác đào tạo nghề góp phần tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Toàn tỉnh hiện có hơn 764.000 người trong độ tuổi lao động, nhưng có gần 540.000 NLĐ ở khu vực nông thôn (chiếm 70,6%). Con số minh chứng cho sự cần thiết về đổi mới, nâng cao chất lượng lao động nông thôn thông qua các giải pháp dạy nghề, ĐTN phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, thông qua đó trang bị kỹ năng, nâng cao chất lượng lao động cho một đội ngũ đông đảo NLĐ tại các vùng nông thôn.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong những năm gần đây các cấp, ngành chức năng của tỉnh luôn quan tâm hoàn thiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Bằng cách sắp xếp tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo; gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động; đáp ứng yêu cầu nhân lực kỹ thuật có tay nghề cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước hình thành mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bố phù hợp và hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động.

Theo đó là các cơ sở GDNN có nhiều ngành, nghề trùng lặp được sáp nhập. Từ 53 cơ sở GDNN trước đây, đến nay trên địa bàn của tỉnh còn 34 cơ sở, trong đó có 11 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp, 12 trung tâm GDNN và 3 cơ sở khác có hoạt động GDNN.

Cùng tinh gọn bộ máy là việc nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Trong tổng số hơn 1.500 giáo viên GDNN có hơn 400 giáo viên tham gia dạy nghề. Qua khảo sát, đánh giá của cơ quan chức năng, 100% giáo viên dạy nghề đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và năng lực sư phạm.

Để giờ học sinh động, sát thực tế, NLĐ dễ tiếp thu kiến thức, hầu hết các cơ sở GDNN thực hiện ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên của các trường đại học, cao đẳng, cán bộ trung tâm khuyến công, khuyến nông, phòng nông nghiệp các huyện, thành phố, nghệ nhân tại các làng nghề tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức.

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ĐTN các cấp thường xuyên được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý và tư vấn chọn nghề, tìm việc làm cho lao động nông thôn, từng bước nâng cao mặt bằng chung về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn theo quy định; bảo đảm công tác quy hoạch gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Các cơ sở GDNN đã quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề, bảo đảm khối lượng kiến thức chuyên môn, kỹ năng phù hợp với người học; thường xuyên cập nhật, rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Một số cơ sở GDNN đã phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình theo từng mô đun, môn học, bài giảng chi tiết, mô hình học cụ, tranh ảnh, tài liệu hướng dẫn.

Chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề bảo đảm khối lượng kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thời gian đào tạo, phù hợp với người học, nên đa số lao động nông thôn sau học nghề đều đạt tiêu chuẩn đầu ra.

Sau tham gia lớp học chăn nuôi thú y do địa phương tổ chức, ông Vũ Văn Quang, xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà trang trại đạt thu nhập 700 triệu đồng/năm.
Sau tham gia lớp học chăn nuôi thú y do địa phương tổ chức, ông Vũ Văn Quang, xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà trang trại đạt thu nhập 700 triệu đồng/năm.

Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: 10 năm gần đây, các cơ sở GDNN đã tổ chức dạy nghề cho hơn 45.700 lao động nông thôn.

Nhờ được tiếp cận các phương pháp, kỹ thuật sản xuất mới, nhiều lao động nông thôn mạnh dạn đầu tư vốn mở mang sản xuất, theo đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao, điển hình như nghề cây cảnh ở xã Thịnh Đức; nghề trồng ổi tại xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên); nghề trồng na ở xã La Hiên (Võ Nhai); nghề trồng chè tại các xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên).

Công tác dạy nghề từng bước gắn với nhu cầu người học, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã thành công trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều lao động nông thôn có thêm nghề mới với mức thu nhập ổn định, như: Vận hành, sữa chữa máy nông nghiệp, hàn tiện, cơ khí, kỹ thuật chế biến món ăn, may mặc.

Nhằm cải thiện chất lượng ĐTN cho lao động nông thôn, Thái Nguyên tiếp tục nâng cao hệ thống cơ sở GDNN, ĐTN; tăng cường liên kết, gắn kết với doanh nghiệp trong ĐTN; khuyến khích các cơ sở GDNN tăng cường đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại để phục vụ công tác dạy nghề, ĐTN cho lao động nông thôn.

Kế hoạch phát triển GDNN tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022-2025: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%; 40% học sinh tốt nghiệp THCS và 45% học sinh tốt nghiệp THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; 25% lực lượng lao động thường xuyên được đào tạo lại;

Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%; Tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 35%; Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%; 100% nhà giáo đạt chuẩn.