Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh - người cán bộ cao cấp lão thành, đức độ và có nhiều gắn bó với Việt Bắc, Thái Nguyên, sau một thời gian lâm bệnh đã từ trần ngày 19/7/2023. Tưởng nhớ bác, những người làm báo Báo Thái Nguyên xin nhắc nhớ về một kỷ niệm đẹp, thay nén tâm nhang tri ân.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh. (Ảnh: VGP) |
Anh Vũ Thành - em trai của Liệt sĩ Vũ Xuân, điện thoại cho tôi và thông tin: Bác Khánh mất rồi anh Minh ạ… Tôi biết cái gì phải đến sẽ đến, cụ nằm giường bệnh mấy năm rồi, vả lại cũng đã 95 năm nơi dương thế!
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh tên thật là Nguyễn Ngọc Khánh, sinh ngày 31/3/1928 tại Thường Tín (Hà Nội); vào Đảng ngày 20/2/1947; là Bí thư Trung ương Đảng khóa VI, Ủy viên Trung ương Đảng khóa V (dự khuyết), VI, VII; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng (1987-1992); Phó Thủ tướng Chính phủ (1992-1997); đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X. Từ tháng 1/1980, bác là Bí thư Đảng ủy cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng; từ tháng 2/1987 là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng.
Trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bác Nguyễn Khánh lớn lên, học tiểu học ở Thái Nguyên, có nhiều năm hoạt động, công tác tại Khu tự trị Việt Bắc và các tỉnh trong vùng chiến khu xưa. Chẳng hạn, năm 1950, bác Khánh làm công tác ở Đoàn Thanh niên, từng là Bí thư Tỉnh đoàn Thái Nguyên.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh (đứng giữa) và gia đình Liệt sĩ Vũ Xuân tại Lễ trao tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” của tỉnh Thái Nguyên năm 2014, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho Mẹ Đỗ Thị Thu (Mẹ của Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân). Ảnh: Tư liệu |
Còn câu chuyện về kỷ niệm của kíp làm phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” của Báo Thái Nguyên chúng tôi với bác Khánh thế này:
Cụ Nguyễn Ngọc Phòng - thân phụ bác Khánh, tham gia chống thực dân Pháp, bị chúng bắt đày đi Côn Đảo với án khổ sai chung thân, năm ấy bác Khánh mới 1 tuổi. Hai cụ Cai Lâm - ông bà nội của bác Nguyễn Khánh - đưa các cháu lên Thái Nguyên làm ăn. Bà Đỗ Thị Thu - mẹ của Liệt sĩ Vũ Xuân, khi đó được vợ chồng cụ Cai Lâm nhận làm con nuôi nhưng quý như con đẻ, gửi gắm, giao việc nhiều. Vì thế, bà Thu là cô, đồng thời là bảo mẫu chăm sóc cho anh em bác Khánh.
Bác Khánh có một kỷ niệm nhớ đời với anh Vũ Xuân - khi ấy là học sinh. Đó là khi bác Khánh đang công tác tại Văn phòng Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc. Anh Xuân bị dao chém vào ngón tay và nhiễm trùng nặng do vết thương chưa lành đã tham gia chiến dịch “bắt sâu cứu lúa” của Trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến. Anh Xuân bị uốn ván sốt cao, ngất lịm nhiều lần. Từ Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc, bác Khánh trực tiếp xuống Bệnh viện Đa khoa Việt Bắc nhờ cứu anh Xuân…
Khi viết kịch bản phim về Liệt sĩ Vũ Xuân, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến những chi tiết về mối quan hệ anh em giữa bác Khánh và gia đình Liệt sĩ Vũ Xuân, nếu khai thác tốt sẽ tạo nên chất bi tráng trong bộ phim.
Ngày 20/7/2007, chúng tôi tổ chức duyệt 8 tập của bộ phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” tại hội trường Báo Thái Nguyên. Gia đình bác Khánh, các bác Vũ Tân, Vũ Hiển, Vũ Thành (là anh em của Liệt sĩ Vũ Xuân) và chị Vũ Nhật Lệ (là con của bác Tân) làm ở Đài Truyền hình Việt Nam cùng về dự.
Đồng chí Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Trịnh Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng dự duyệt phim, xúc động lắm. Vì lẽ cho đến thời điểm ấy, Thái Nguyên chưa từng làm phim dài tập. Cái sân sinh hoạt chung của Tòa soạn Báo Thái Nguyên (số 10 đường Nha Trang, TP. Thái Nguyên) trở thành nơi tổ chức bữa cơm trưa đầm ấm, dung dị và với những người làm báo chúng tôi là kỷ niệm không thể nào quên.
Cũng dịp ấy, tôi được trò chuyện với bác Khánh khá nhiều. Trong đó có chủ đề về chiến khu Việt Bắc một thời, về sự ngưỡng mộ của bác Khánh đối với phẩm chất cao đẹp của các đồng chí lãnh đạo tiền bối. Tôi nghe chuyện bác kể và ghi nhớ nằm lòng những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bác Khánh kể: …Tôi vẫn nhớ rất rõ lần đầu tiên được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi cơ quan tôi đóng ở xã Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, vào tháng 6/1947. Vào một buổi sáng, khi đang đứng nói chuyện với mấy anh em và bà con ở phố Cù Vân, tôi thấy một chiếc xe mô tô thùng đi từ hướng Đèo Khế xuống và dừng xe ở giữa phố. Một vị sĩ quan quân đội khoảng trên 30 tuổi xuống xe, tươi cười đến chào và nói chuyện với bà con nhân dân mấy phút rồi lại đi tiếp. Khi đó tôi không biết vị cán bộ ấy là ai, nhưng có người nói đây chính là đồng chí Võ Nguyên Giáp. Mấy phút ngắn ngủi ấy là một kỷ niệm sâu sắc đối với tôi về một con người rất đỗi gần gũi, giản dị với quần chúng nhân dân…
Bác Khánh kể tiếp: Những lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp họp Trung ương hoặc Bộ Chính trị ở số 4 phố Nguyễn Cảnh Chân (Hà Nội), mỗi lần họp xong, khi đi qua sân gặp các cán bộ phục vụ hội nghị, Đại tướng đều bắt tay hỏi han và giơ tay chào vui vẻ. Anh chị em cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng đều rất ngưỡng mộ vị tướng lừng danh và lúc nào cũng dễ gần, tươi vui…
***
Những năm tháng hoạt động và cống hiến cho cách mạng của nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh có sự kế thừa các đồng chí lãnh đạo lớp trước; là tấm gương cho các thế hệ cán bộ lớp sau rèn luyện và phấn đấu.
Với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh luôn là niềm tự hào, là bậc tiền bối đáng kính.
Tưởng nhớ bác Nguyễn Khánh, những người làm báo Báo Thái Nguyên xin nhắc nhớ về một kỷ niệm đẹp với bác, thay nén tâm nhang tri ân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin