Vượt qua nỗi đau khi cả cha và mẹ đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, dành trọn cuộc đời chăm sóc người chồng là thương binh hạng 1/4. Bà là Đặng Thị Huệ, sinh năm 1961, ở tổ 1, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên).
Bà Đặng Thị Huệ (đứng thứ 4 từ phải vào) tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023. |
Năm bà Huệ lên 5 tuổi, em gái được 3 tuổi, bố của 2 chị em hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Xí nghiệp Ô tô số 10. Chưa kịp nguôi nỗi đau mất cha, 10 ngày sau, người mẹ - trụ cột còn lại của gia đình cũng hy sinh trong trận thả bom bi của địch.
"Bố tôi mất khi mới 27 tuổi, mẹ tôi 24 tuổi. Cả hai đều được truy tặng liệt sĩ. Sau khi bố mẹ qua đời, chị em tôi được đưa về sống cùng ông bà ngoại ở xã Huống Thượng (Đồng Hỷ), nay thuộc TP. Thái Nguyên. Con rể, rồi con gái đều hy sinh trong chiến tranh nhưng ông bà ngoại tôi phải gắng gượng vượt qua nỗi đau để lo cho 4 con thơ và 2 cháu ngoại mồ côi…" - bà Huệ nghẹn ngào kể lại.
Tuổi thơ vất vả, cơ cực, thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ, 2 chị em bà Huệ lớn lên bằng tình yêu thương, đùm bọc của ông bà ngoại và những người thân trong gia đình. Học hết lớp 7, bà Huệ được ông bà cho đi học ở Trường dạy nghề Sơn Tây. Nhớ lại những năm tháng đi học nghề, bà Huệ không cầm được nước mắt: Ngày nghỉ, các bạn cùng lớp về thăm nhà, bố mẹ chuẩn bị cho gạo, đồ ăn mang xuống trường thật vui vẻ. Còn tôi chỉ biết lẳng lặng khóc vì tủi thân...
Không đầu hàng số phận, bà Huệ vẫn quyết tâm hoàn thành tốt chương trình học. Sau khi tốt nghiệp Trường dạy nghề Sơn Tây, bà xin vào làm thủ kho ở phường Quan Triều (TP. Thái Nguyên). Đến năm 1981, bà tình cờ gặp ông Đặng Đình Thịnh, người cùng xã tại Khu điều dưỡng thương binh ở Đán.
Cảm phục, thương mến nhau, năm 1982, ông bà quyết định tổ chức đám cưới. Cuộc sống ban đầu của đôi vợ chồng trẻ khá chật vật, vì ngoài gánh nặng kinh tế, ông Thịnh là thương binh với tỷ lệ thương tật 81%, trên người còn nhiều mảnh đạn. Khi trái nắng trở trời, những mảnh đạn găm trong cơ thể lại giày vò, khiến chân ông tê liệt, mọi sinh hoạt đều do bà Huệ phục vụ tại chỗ.
Những khi đủ sức khỏe, ông Đặng Đình Thịnh lại tìm việc làm thêm để đỡ đần vợ con. |
Thương vợ vất vả, bất cứ khi nào đủ sức khỏe, ông Thịnh lại gắng gượng đi làm thêm, khi thì bốc vác thuê, lúc lại chạy xe chở hàng… để kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Đến năm 1986, thực hiện chủ trương đưa thương binh về địa phương, gia đình ông bà được chính quyền cấp cho mảnh đất ở tổ 1, phường Quang Vinh và làm nhà. Niềm vui lớn nhất trong cuộc sống của ông bà là năm 1984 cô con gái lớn chào đời, sau nhiều lần bà bị lỡ. 3 năm sau, bà Huệ sinh được cô con gái thứ hai. Theo thời gian, các con dần khôn lớn, cuộc sống của gia đình ông bà đỡ vất vả hơn.
Cuộc sống dù khó khăn, vất vả song bà Huệ đã nỗ lực khắc phục để chăm lo cho chồng con.
Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Huệ kể: Tuần vừa qua, chúng tôi được tỉnh chọn là một trong 5 gia đình chính sách tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023, tổ chức tại Thừa Thiên Huế. Được gặp, được nghe nhiều câu chuyện xúc động về những tấm gương gia đình người có công vượt khó vươn lên, tôi càng thêm tự hào về truyền thống của gia đình, dân tộc.
"Với tôi, việc bản thân sống tốt ở hiện tại chính là lời tri ân tốt nhất với quá khứ hào hùng và những mất mát, hy sinh của người thân cũng như các thế hệ đi trước" - bà Huệ bộc bạch.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin