Nỗ lực làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa và chính sách đối với người có công với cách mạng

Theo NDĐT 11:19, 22/07/2023

Sáng 22-7, tại thành phố Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023).

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng. (Ảnh: Đăng Khoa)
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng. (Ảnh: Đăng Khoa)

Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; 300 đại biểu người có công với cách mạng đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc.

Đây là sự kiện có một ý nghĩa chính trị - xã hội lớn lao, biểu thị trách nhiệm cao cả, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn thể đồng chí, đồng bào đối với anh hùng liệt sĩ, các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.

300 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng toàn quốc, là những điển hình trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, là cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động thời kỳ kháng chiến.

Họ là những người mẹ, người vợ, người con trung hậu đảm đang; là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành hình mẫu trong cuộc sống đời thường,… những người không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, có nhiều đóng góp xây dựng đất nước.

Trong số các đại biểu tham dự hội nghị, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Điểm đến từ thành phố Hà Nội, là đại biểu cao tuổi nhất, năm nay Mẹ tròn 98 tuổi và 13 đại biểu đến nay đã trên 90 tuổi. Ngoài ra còn có 25 đại biểu là người dân tộc thiểu số Hà Nhì, Hrê, Khmer, Mường, Nùng, Paco, Tà Riêng, Tày, Thái, Xê Đăng; 1 đại biểu là lão thành cách mạng, 11 cán bộ tiền khởi nghĩa, 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 47 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1 Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, hơn 100 thương binh (trong đó có 25 thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, 31 bệnh binh, 64 thân nhân liệt sĩ).

Báo cáo về công tác chăm sóc người có công với cách mạng tại hội nghị, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, 76 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo tại Hội nghị.
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo tại Hội nghị.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng qua các thời kỳ và gần đây nhất là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) "Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng" những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020; Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng…

Đây là những văn bản quan trọng, kịp thời thể chế quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng; chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh, đúng đối tượng phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã kịp thời bổ sung, điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước. Để chăm lo tốt hơn đời sống người có công với cách mạng, theo đề nghị của Chính phủ, ngày 11/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, từ ngày 1/7/2023 sẽ thực hiện tăng mức chuẩn trợ cấp người có công đảm bảo không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, theo đó đề xuất điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từ 1.624 nghìn đồng lên 2.055 nghìn đồng, tăng 26,54%. Với việc điều chỉnh này, từ năm 2023, kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tăng thêm 2.728 tỷ đồng. Đây là một chính sách đột phá, có tác động tích cực đến đời sống của hàng chục triệu người có công, thân nhân của người có công với cách mạng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Chủ tịch nước đã có quyết định tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng số kinh phí là hơn 400 tỷ đồng.

Cùng với các chính sách, chế độ ưu đãi nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng, trong dịp tháng 7 năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của quy hoạch này hướng đến việc hình thành một hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Với việc ban hành và triển khai toàn diện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong giai đoạn 2012-2022 ngân sách nhà nước được bố trí là 357.373 tỷ đồng để thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khoẻ, trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng; ưu đãi giáo dục, hỗ trợ cải thiện nhà ở dụng cụ chỉnh hình, điều dưỡng, ưu đãi giáo dục, công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ…

Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng; 2.988 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Đến nay, 99% hộ người có công với cách mạng cả nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.