Thời gian qua, việc sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trong hoạt động thương mại và một số dịch vụ đã cho thấy những lợi ích thiết thực, lĩnh vực an sinh cũng không ngoại lệ. Việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đã mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí… Tuy vậy, không phải đối tượng nào cũng dễ dàng tiếp cận loại hình chi trả mới này.
Trên thực tế, nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội phần lớn là người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội. Đa số họ có những hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, kỹ năng thao tác trong sử dụng điện thoại thông minh.
Ở nhiều địa phương khó khăn, không phải người dân nào cũng có điều kiện mua sắm smartphone.
Quá trình tác nghiệp tại cơ sở, chúng tôi cũng được nghe nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình thì cũng không ít người băn khoăn.
Một người mới lập tài khoản an sinh và được chi trả trợ cấp qua tài khoản cho biết: Việc chi trả không dùng tiền mặt quả là thuận tiện khi hàng tháng chúng tôi không cần phải lên xã, xếp sổ chờ đợi để nhận tiền mặt. Nhưng với những người cao tuổi như chúng tôi, việc thao tác trên điện thoại hay đơn giản là kiểm tra số dư tài khoản, thực hiện rút tiền cũng khá vất vả, lóng ngóng và mất nhiều thời gian. Nhiều người phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người thân, hàng xóm. Chính vì không chủ động được công nghệ, mới đây, bà cụ hàng xóm của tôi đã bị thằng cháu ham chơi lấy hết tiền trong tài khoản khi được nhờ đi rút tiền hộ.
Mạng lưới ngân hàng và ATM còn thưa thớt cũng là một rào cản đối với người dân, đặc biệt là ở các huyện miền núi, khu vực nông thôn. Chính bởi số lượng các cây ATM không nhiều nên khoảng cách từ nơi ở của người dân đến các điểm rút tiền xa.
Một số người nhận trợ cấp hàng tháng với số tiền không nhiều đã chọn cách 2-3 tháng rút một lần, nên dù tiền đã được chuyển vào tài khoản, song vẫn chưa đến tay người dân kịp thời.
Bên cạnh đó, các khoản phí bị trừ vào tài khoản, như: Phí thường niên, phí quản lý thẻ, tiền giữ lại thẻ... khiến số tiền người dân rút ra không được trọn vẹn.
Cũng do hạn chế về tuổi tác, kỹ năng, một số đối tượng nhận trợ cấp cũng gặp những phiền toái nhất định khi thao tác rút tiền không đúng, quên mật khẩu, bị khoá thẻ...
Thực hiện Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 14/10/2022 của UBND tỉnh về triển khai thí điểm chi trả trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng trên địa bàn huyện Đại Từ, Võ Nhai và TP. Phổ Yên, thời gian qua, hàng nghìn đối tượng đã được chi trả qua tài khoản.
Ðể công tác chi trả chế độ an sinh xã hội không dùng tiền mặt hiệu quả hơn, thiết nghĩ cần miễn, giảm tối đa chi phí dịch vụ thanh toán liên ngân hàng của đối tượng thụ hưởng, miễn giảm phí duy trì tài khoản ATM, phí báo tin nhắn khi biến động thông tin tài khoản.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần quan tâm đầu tư hạ tầng, bố trí thêm cây ATM, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi...
Với hạn chế rất khó cải thiện đó là việc người cao tuổi gặp khó khăn trong các thao tác trên điện thoại thông minh, rút tiền trên cây ATM, nhiều ý kiến cho rằng cần triển khai linh hoạt theo từng đối tượng, có thêm lựa chọn cho người dân trong việc nhận tiền chi trả. Đó là các đối tượng có thể được chủ động lựa chọn đăng ký nhận tiền mặt hay nhận chi trả qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử..., thay vì triển khai đồng bộ qua tài khoản như một số địa phương đang thực hiện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin