Chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt

Ngọc Chuẩn 09:10, 09/09/2023

Toàn tỉnh hiện có hơn 41.300 đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH), trong đó có gần 27.000 người đã được tạo lập tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, Thái Nguyên có gần 13.000 người được chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, chủ yếu ở các huyện Đại Từ, Võ Nhai và TP. Phổ Yên - những địa phương được tỉnh lựa chọn thực hiện thí điểm việc chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt.

Cán bộ huyện Đại Từ chia sẻ kỹ năng kiểm tra việc nhận tiền qua tài khoản trên điện thoại thông minh.
Cán bộ cơ quan chức năng ở huyện Đại Từ chia sẻ kỹ năng kiểm tra việc nhận tiền qua tài khoản ngân hàng trên điện thoại thông minh cho người dân.

Ông Dương Trung Kiên, tổ trưởng tổ dân phố Phú Thịnh, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), cho biết: Trong tổ có 8 đối tượng BTXH, hầu hết là người cao tuổi, người tàn tật. Vì vậy, việc nhận tiền trợ cấp hàng tháng cơ bản trông cậy vào người thân. Tuy nhiên, do công việc riêng hoặc vị trí địa lý, việc chi trả không phải lúc nào cũng thuận lợi. Mỗi lần như vậy, tổ dân phố lại phải "kết nối" giữa bên chi trả và bên nhận trợ cấp.

Còn theo ông Trần Công Toán, ở tổ dân phố Phú Thịnh: Tôi có con bị bệnh tâm thần phân liệt. Từ đầu năm 2023, tôi nhận tiền trợ cấp cho cháu qua tài khoản ngân hàng nên không phải ra bưu điện huyện xếp hàng chờ đợi như trước đây.

Có mặt ở đó, ông Nguyễn Văn Chức bày tỏ: Từ gần 1 năm nay, cứ đến ngày nhận chi trả tiền hỗ trợ cho bố mẹ tôi, điện thoại lại reo chuông đúng hẹn, thông báo tiền trợ cấp đã về tài khoản đầy đủ.

Ông Toán, ông Chức chỉ là 2 trong số gần 13.000 trường hợp sinh sống trên địa bàn tỉnh được Nhà nước chi trả tiền trợ cấp cho người thân hoặc bản thân qua tài khoản. Việc không dùng tiền mặt giúp cơ quan chức năng thực hiện chi trả chính xác, rõ ràng, minh bạch. Với người được nhận trợ cấp, họ không phải mất các chi phí phát sinh; không mất thời gian đi lại, chờ đợi. Rồi khi trong tài khoản có số dư, gia đình đối tượng BTXH có thể thanh toán cho các giao dịch mua, bán mà không cần dùng tiền mặt, giản đơn là thanh toán tiền điện, nước hàng tháng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt, từ tháng 10/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thí điểm chi trả trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng BTXH trên địa bàn huyện Đại Từ, Võ Nhai và TP. Phổ Yên.

Ngay sau khi triển khai, các cấp, ngành, đơn vị liên quan đã tích cực vào cuộc. Ngoài tăng cường tuyên truyền đến mọi người dân về việc chi trả không dùng tiền mặt, các địa phương cùng ngân hàng thương mại, Viettel Thái Nguyên, Viễn thông Thái Nguyên tích cực phối hợp, chủ động thu thập thông tin, mở tài khoản, bao gồm: tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money… cập nhật thông tin về tài khoản của các đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp.

Hiện toàn tỉnh có hơn 41.300 đối tượng đang hưởng chính sách trợ cấp BTXH hàng tháng, với kinh phí chi trả trên 21,1 tỷ đồng. Trong đó có 14.750 người cao tuổi; 17.508 người khuyết tật; 3.697 đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người đơn thân nghèo đang nuôi con, người nhiễm HIV; 5.454 người chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng.

Toàn bộ dữ liệu liên quan đến đối tượng BTXH được quản lý, theo dõi trên phần mềm hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu BTXH và đăng ký giải quyết chính sách trực tuyến tại địa chỉ: https://misposasoft.molisa.gov.vn. Phần mềm đã kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để đối soát, xác thực dữ liệu; kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thái Nguyên để tiếp nhận, xử lý hồ sơ, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến. Tài khoản truy cập phần mềm đã cấp cho 10% cán bộ cấp xã, phường, thị trấn và phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thành phố.

Tại 3 địa phương triển khai thí điểm chi trả không dùng tiền mặt đều có cách làm phù hợp. Cụ thể, huyện Đại Từ phối hợp với các ngân hàng thương mại, Viễn thông Thái Nguyên triển khai mở tài khoản, hướng dẫn đối tượng cài smartbanking, sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện, tiền nước máy, chi phí viễn thông, nộp học phí... và có thêm các điểm hỗ trợ cung cấp dịch vụ rút tiền. Kết quả, đến nay, huyện Đại Từ thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng, tài khoản mobile money của Viễn thông Thái Nguyên cho 6.415 đối tượng BTXH, đạt 100%.

Việc chi trả trợ cấp BTXH qua tài khoản góp phần bảo đảm chi trả kịp thời, công khai, minh bạch; tạo cho đối tượng tâm lý thoải mái, yên tâm khi sử dụng dịch vụ.

Về hoạt động chi trả trợ cấp cho đối tượng BTXH không dùng tiền mặt, bà Dương Thị Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Phổ Yên, cho biết: Từ tháng 10/2022, TP. Phổ Yên phối hợp với Viettel Thái Nguyên tổ chức tuyên truyền, thu thập dữ liệu tạo tài khoản mobile money, ví điện tử đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội và mọi người dân. Đến nay, thành phố đã thực hiện chi trả qua tài khoản cho 4.706/5.937 người, đạt 79,3%.

Còn tại Võ Nhai, bà Mông Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thông tin: Cơ quan chuyên môn cấp huyện, cấp xã đã chủ động phối hợp với hệ thống bưu điện, ngân hàng Vietinbank để tổ chức thu thập thông tin, mở tài khoản cho đối tượng BTXH.

Thực tế cho thấy, việc chi trả trợ cấp qua tài khoản đã góp phần bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính trong thực hiện chính sách an sinh. Đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ, nâng cao hiểu biết của người dân về Chính phủ điện tử, quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách và chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt. Theo đó, đối tượng BTXH được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước một cách nhanh chóng, thuận lợi và an toàn nhất.