Hoạt động hòa giải ở cơ sở có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Hòa giải góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội... Xác định rõ điều này, thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở luôn được Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ chú trọng phối hợp thực hiện.
Ra mắt mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở tại xóm Tiền Phong, xã Khe Mo (Đồng Hỷ). |
Nhằm hạn chế thấp nhất những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp tại cơ sở, hàng năm, Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ đều xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND huyện trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản, quy định dưới luật. Việc tuyên truyền được thực hiện bằng các hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp; tập huấn; cung cấp tài liệu; tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng; treo băng rôn, khẩu hiệu tại địa bàn dân cư...
Đồng chí Trần Thị Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ, cho biết: Thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động hòa giải ở cơ sở, Ủy ban MTTQ huyện luôn chủ động phối hợp với UBND huyện thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, hướng dẫn tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải, mô hình hòa giải cơ sở, Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp cùng chính quyền địa phương thường xuyên kiện toàn, bổ sung đội ngũ hòa giải viên. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác hòa giải.
Hiện nay, 143/143 xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đều đã thành lập, duy trì tổ hòa giải. Toàn huyện có 1.048 hòa giải viên, trong đó cán bộ mặt trận (trưởng ban công tác mặt trận các xóm, tổ dân phố; đại diện các tổ chức thành viên của mặt trận) là lực lượng nòng cốt. Trong số này có 302 hòa giải viên là hội viên hội phụ nữ, 500 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số...
Nhờ được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, lực lượng làm công tác hòa giải ở cơ sở đã có những đóng góp tích cực vào quá trình giải quyết các tranh chấp.
Bà Phạm Thị Khánh Ly, Phó phòng Tư pháp huyện Đồng Hỷ, cho hay: Thông qua công tác hòa giải, những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư được giải quyết ngay từ cơ sở. Từ đó, ngăn chặn được nhiều vụ việc mâu thuẫn lớn xảy ra. Qua đây cũng góp phần vào việc giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật ở cơ sở.
Với nhiều nỗ lực trong công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ và chính quyền địa phương, những năm gần đây, hoạt động của các tổ hòa giải ngày càng hiệu quả, tỷ lệ vụ hòa giải thành công năm sau cao hơn năm trước.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm (2013-2023) thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, ngành chức năng địa phương đã tiếp nhận 1.544 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp. Trong đó, hòa giải thành công 1.227 vụ việc (chiếm tỷ lệ 80%). Riêng trong năm 2022, cơ quan chức năng của huyện đã tiếp nhận 155 vụ việc ở cơ sở, trong đó hòa giải thành công 118 vụ, 37 vụ hòa giải không thành phải chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết...
Thực hiện tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Đồng Hỷ đã ra mắt, duy trì hoạt động của 6 mô hình điểm về hòa giải cơ sở tại các xã xây dựng NTM nâng cao. Việc tiếp tục nhân rộng các mô hình này cũng chính là mục tiêu của huyện nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin