Giai đoạn 2019-2022, huyện Đồng Hỷ có hơn 13.800/29.000 lượt gia đình hội viên đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp. Từ phong trào "Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giảm nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương.
Ông Phạm Văn Long (bên trái), ở xóm Văn Hán, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) là một hội viên tiêu biểu trong phong trào "Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". |
Trong số 13.853 hộ hội viên đạt danh hiệu nông dân SXKDG của huyện Đồng Hỷ năm 2022, cấp cơ sở có 10.919 hộ, cấp huyện 2.384 hộ, cấp tỉnh 536 hộ, cấp Trung ương có 14 hộ.
Đa số những nông dân tiêu biểu đều cho rằng trước tiên mình phải có khát vọng làm giàu. Trên tinh thần đó, tận dụng mọi thế mạnh, điều kiện của gia đình cũng như các chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân để tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Cùng với liên kết sản xuất tập trung, tạo vùng hàng hóa lớn, nhiều nông dân ở Đồng Hỷ cũng chủ động học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Điển hình như mô hình trồng rừng của ông Phạm Văn Long, ở xóm Vân Hán, xã Văn Hán. Từ vài héc-ta rừng ban đầu, đến nay, gia đình ông Long đã sở hữu 60ha rừng trồng keo, bạch đàn. Diện tích rừng lớn và sử dụng phương pháp trồng gối nhau, nên năm nào gia đình ông cũng được thu hoạch khoảng 10ha. Mô hình trồng rừng của ông Long cho thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động địa phương, với mức thu nhập 4-7 triệu đồng. Để phục vụ sản xuất “cánh rừng mẫu lớn” của gia đình, mới đây, ông Long tiếp tục đầu tư hơn 400 triệu đồng mua máy bay không người lái để chăm sóc, quản lý rừng. Qua đó, giúp gia đình ông tăng hiệu quả sản xuất...
Hoặc như ông Vũ Trí Long, ở thị trấn Sông Cầu, với mô hình nuôi hươu và trồng chè, thu nhập bình quân 168 triệu đồng/người/năm, tạo việc làm cho 12 lao động; hộ ông Trần Văn Hòa, xã Tân Lợi, với mô hình chế biến gỗ bóc, thu nhập trên 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20-25 lao động...
Theo bà An Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ: Để đạt được những thành quả trên, bên cạnh nỗ lực của bà con nông dân, không thể thiếu sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng. Hàng năm, Hội Nông dân huyện đều tổ chức cho các cán bộ hội cơ sở và hội viên tiêu biểu đi tham quan, học tập tại một số mô hình kinh tế điển hình ở trong và ngoài tỉnh. Từ đó áp dụng vào sản xuất tại gia đình và nhân rộng trên địa bàn.
Để các mô hình kinh tế của hội viên phát triển bền vững, các cấp Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ đã linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động, vận động hội viên, nông dân tham gia nhóm sở thích sản xuất - kinh doanh. Qua sinh hoạt tổ, nhóm, hội viên nông dân có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vốn đầu tư và cùng tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Trong giai đoạn 2019-2022, Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với các đơn vị, địa phương trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn thành lập 12 hợp tác xã, 19 tổ hợp tác, 8 tổ hội nghề nghiệp. Các cấp Hội đã mở được 366 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho trên 19.000 lượt hội viên tham gia; tổ chức 12 cuộc hội thảo với hơn 1.000 lượt hội viên tham gia; phối hợp tổ chức 14 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 420 hội viên; cung ứng 150 tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm...
Giai đoạn 2019-2022, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp ở huyện Đồng Hỷ đã giúp 101 hộ vay vốn, với tổng số tiền 4,9 tỷ đồng. Toàn huyện có trên 154.000 lượt hộ nông dân được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 150 tỷ đồng; 3.350 lượt hộ được vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với tổng dư nợ trên 450 tỷ đồng. |
Thông qua phong trào "Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa các hội viên ngày càng được thắt chặt. Qua tuyên truyền, vận động, các cấp Hội Nông dân cũng đã phối hợp hỗ trợ xây dựng được 10 nhà “Mái ấm Nông dân” với tổng số tiền trên 400 triệu đồng, giúp hội viên ổn định cuộc sống.
Những kết quả của phong trào đã góp phần tạo ra một số sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao (như chè, miến...) và từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn để liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin