Những năm tôi còn bé, các ngôi nhà trong làng đều vách đất hoặc trình tường. Mái nhà phần lớn lợp bằng lá cọ, lá gồi, rơm, rạ, một số bóc lá mía, cắt cỏ gianh phơi khô đan thành phên để lợp.
Các ngôi nhà làm theo kiểu một gian hai chái. Một chái để dụng cụ làm đồng, chái còn lại đặt chiếc cối xay thóc và cối giã gạo bằng chân.
Loại nhà vách đất cột bằng tre, gỗ tạp. Đòn tay buộc là cây hóp. Rui mè chẻ từ cây vầu. Vách buộc dứng theo từng ô vuông là các cây nứa nhỏ. Buộc dứng xong dùng đất nhào trộn với rơm khô và trát. Mặt trước ngôi nhà đất vừa se bánh tẻ dùng đất mịn hòa nước vôi tôi trát thêm và lấy bàn xoa nhẵn gọi là trát “toóc xi”.
Một số nhà làm bằng đất nện gọi là trình tường. Móng nhà đào nông theo hình dạng ngôi nhà và lấy những cây tre đực đã được ngâm dựng thành cốt bốn góc.
Các tấm gỗ xẻ lắp thành khuôn, lấy đất đã nhào nhuyễn đổ vào và dùng chày, vồ lèn cho đất chèn chặt. Việc đổ đất chèn làm theo từng đoạn, xong đoạn này tháo khuôn gỗ ra đổ đoạn khác. Các cột tre nhô lên khỏi bức tường một đoạn ngắn đủ để buộc kèo và đặt đòn tay, dui, mè.
Ngày ấy, gia đình nào dựng nhà cũng đều được hàng xóm giúp. Năm tôi bảy, tám tuổi, hầu như các buổi dựng nhà đều lẽo đẽo theo bố mẹ đến chơi. Đôi khi người lớn nhờ dắt trâu đi quanh cối đánh đất để dẫm, hoặc buộc dứng.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với ngôi nhà tranh vách đất. Ô cửa sổ mỗi tối tôi ngồi học bài, ánh trăng non mướt mát lọt qua liếp nứa tãi cả vào ước mơ bao niềm khao khát.
Mỗi lần trở lại làng, tôi nghe như trong gió có cả lời mái tranh từ những nếp nhà xưa vọng lại. Kí ức không hẳn là những gì đã qua, mà xốn xang trong tôi bao điều còn mãi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin