Kịp thời tuyên truyền, thuyết phục, vận động các bên thỏa thuận, tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, góp phần tăng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, ngăn ngừa hành vi phạm pháp, giảm bớt khiếu kiện, đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển... Đó là những nét nổi bật sau 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Tại Hội thi Hòa giải viên giỏi khu vực phía Bắc, đội thi của tỉnh Thái Nguyên đã xuất sắc giành giải Ba và là 1 trong 15 đội tham gia Hội thi toàn quốc dự kiến diễn ra trong tháng 11 tới. Trong ảnh: Các thành viên đội thi của tỉnh đang tập luyện chuẩn bị cho Hội thi toàn quốc. |
Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Thực hiện Luật, hàng năm, UBND tỉnh Thái Nguyên đều ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tỉnh xác định thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Do vậy, 10 năm qua, công tác phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản liên quan được duy trì thường xuyên, hiệu quả dưới nhiều hình thức, như: Tập huấn nghiệp vụ; bồi dưỡng kiến thức pháp luật; phát tờ rơi, tờ gấp; sổ tay nghiệp vụ, bản tin tư pháp; thi tìm hiểu pháp luật; thi hòa giải viên giỏi; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, báo chí, loa truyền thanh cơ sở…
Cùng với đó, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở thường xuyên được rà soát, kiện toàn. Đến nay, toàn tỉnh có 2.245 tổ hòa giải ở cơ sở, với 16.502 hòa giải viên. Các hòa giải viên đều là những người có hiểu biết về pháp luật, am hiểu phong tục tập quán của địa phương, có uy tín trong cộng đồng dân cư và có khả năng vận động, thuyết phục, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác hòa giải ở cơ sở.
Nhiều tổ hòa giải đã trở thành “điểm tựa” cho người dân trong việc hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp. Đơn cử như từ năm 2018 đến nay, “Tổ hòa giải điểm” tại xóm Bản Mới, xã Kim Phượng (Định Hóa), gồm 7 thành viên, đã hòa giải thành 15/15 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trên địa bàn.
Hay tại TP. Thái Nguyên hiện có 401 tổ hòa giải/401 xóm, tổ dân phố, với 2.683 hòa giải viên. Trong 10 năm, các tổ đã tham gia hòa giải trên 5.000 vụ (hòa giải thành công hơn 4.100 vụ), đạt tỷ lệ trên 82%.
Bà Lê Thị Mai Hanh, Phó Phòng Tư pháp TP. Thái Nguyên, thông tin: Các tổ hòa giải trên địa bàn chủ yếu tiếp nhận và hòa giải những vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai, vệ sinh môi trường… Theo đánh giá, các mâu thuẫn nhỏ ở cơ sở đều được các hòa giải viên quan tâm sát sao và hóa giải ngay từ khi mới phát sinh.
Thống kê từ năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải trong toàn tỉnh đã hòa giải trên 17.200 vụ. Trong đó hòa giải thành hơn 14.600 vụ, đạt trên 85%. Mỗi vụ việc được hòa giải kịp thời giúp ngăn phát triển thành mâu thuẫn, tranh chấp lớn, không gây âm ỉ, bức xúc trong dư luận và cộng đồng dân cư.
Từ đó, các mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc pháp luật được giải quyết triệt để, ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội. Đồng thời góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài; tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như cơ quan Nhà nước.
Ông Lương Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhận định: Việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc để hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp; khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải đạt hiệu quả cao hơn, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Những kết quả đạt được là cơ sở để Thái Nguyên tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở; đồng thời nhân rộng các mô hình "tổ hòa giải điểm", góp phần quan trọng xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin