Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả để thay đổi nhận thức, xây dựng nhiều mô hình phù hợp, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em...
Khuôn viên gia đình chị Hoàng Thị Tường (ngoài cùng bên trái), người dân tộc Mông ở xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, Đồng Hỷ, luôn được chăm chút sạch sẽ. |
Chúng tôi đến thăm nhà chị Hoàng Thị Tường, dân tộc Mông ở xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), nhận thấy không khí trong gia đình chị rất ấm cúng. Căn bếp nhỏ được sắp xếp vật dụng gọn gàng, vợ chồng chị cùng nhau vui vẻ chuẩn bị bữa cơm trưa.
Chị Tường kể: Trước kia, nhiều thứ tốt đẹp trong gia đình người Mông đều dành cho con trai. Trong xóm, nhiều gia đình chỉ cho con trai đi học, còn con gái phải ở nhà trông em, làm việc nhà hoặc đi làm nương cùng bố mẹ. Bây giờ tập quán của người Mông tiến bộ hơn trước rất nhiều, nam nữ bình quyền. Tiếng nói của phụ nữ được mọi người lắng nghe nhiều hơn. Trong xóm cũng không xảy ra chuyện phụ nữ bị chồng đánh đập như trước kia nữa.
Câu chuyện của gia đình chị Hoàng Thị Tường đã cho thấy phần nào tín hiệu tích cực về việc thực hiện bình đẳng giới trong cộng đồng người dân tộc Mông.
Trên thực tế, người phụ nữ đã được quyền quyết định nhiều việc, tham gia quản lý kinh tế gia đình và người chồng sẵn sàng làm công việc nhà, chăm sóc con cái cùng vợ. Sự thay đổi căn bản này có được từ kết quả tuyên truyền của các cấp hội phụ nữ cùng sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình cho phụ nữ, trẻ em là hoạt động được các cấp hội thường xuyên triển khai. Từ đó đẩy mạnh tuyên truyền người dân chấp hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em…
Các cấp hội cũng phối hợp với ngành chức năng tổ chức nhiều buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình; hướng dẫn phụ nữ, trẻ em ứng phó với hành vi xâm hại; phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em…
Tính riêng từ đầu năm tới nay, các cấp hội đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 525 câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc; tổ chức được 758 cuộc truyền thông cho trên 72 nghìn lượt người về các nội dung: Kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình; phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình; chăm sóc sức khỏe sinh sản, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh….
Bên cạnh đa dạng các hình thức tuyên tuyền, vận động, các cấp hội phụ nữ cũng có nhiều hoạt động hiệu quả nhằm hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế. Chủ động rà soát hộ nghèo, xác định nguyên nhân nghèo và xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể. Mỗi cơ sở hội giúp đỡ ít nhất 2 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.
Từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã hỗ trợ 60.122 lượt hội viên vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế với tổng các nguồn vốn đạt trên 3,3 nghìn tỷ đồng…
Ngoài ra, nhằm giúp hội viên khó khăn về nhà ở, năm 2023, các cấp hội vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, các cơ quan, đơn vị, MTTQ, các đoàn thể ủng hộ xây dựng và sửa chữa được 24 nhà Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, đơn thân, phụ nữ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trị giá gần 1 tỷ đồng…
Thời gian tới, để tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ, trẻ em, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và trẻ em; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em… Qua đó tạo điều kiện để phụ nữ, trẻ em được sống, hưởng thụ và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin