Điểm tựa cho người hoàn lương

Chung An 10:01, 08/12/2023

Từ ngày 10/10/2023, những người chấp hành xong án phạt tù có thể vay tới 100 triệu đồng để phát triển kinh tế. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Quyết định số 22) về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Chính sách này là điểm tựa cho những người hoàn lương, giúp họ tái hóa nhập cộng đồng.


Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn vay theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, anh T.D.L, ở phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) đã đầu tư mua máy cày để đi làm thuê, quyết tâm làm lại cuộc đời.
Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn vay theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, anh T.D.L, ở phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) đã đầu tư mua máy cày để đi làm thuê, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Chỉ vì một phút nông nổi, không kiểm soát được bản thân, anh T.D.L, ở phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên) đã phải chịu mức án 19 tháng tù giam. Do cải tạo tốt nên sau 8 tháng anh đã được đặc xá trở về địa phương. Nhận thấy được lỗi lầm của mình, sau khi về địa phương, anh L. quyết tâm làm lại từ đầu. Được biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người mới chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng, anh L. đã làm thủ tục vay 100 triệu đồng, cùng với số tiền tích cóp của bố mẹ để mua máy cày đi làm thuê.

Anh L. cho biết: Những người mới ra tù thường có tâm lý tự ti. Tuy nhiên, ai cũng có thể mắc sai lầm, quan trọng là sau đó mình đứng lên như thế nào. Do vậy, khi được Nhà nước hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng, tôi càng có thêm nghị lực, quyết tâm để thay đổi bản thân, tập trung làm kinh tế, không phụ niềm tin của gia đình, xã hội dành cho mình.

Khi mới trở về với gia đình sau 4 năm chấp hành án phát tù là khoảng thời gian đầy khó khăn đối với ông Đ.V. T, ở xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) do không có vốn để làm ăn. Một “cánh cửa” mở ra khi ông T. là một trong nhiều đối tượng được hỗ trợ cho vay vốn chính sách theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông T. cho biết: Khi chấp hành xong án phạt tù, tôi thấy mọi công việc rất khó khăn với mình. Xác định phải phát triển kinh tế gia đình nhưng tôi lại không có vốn. Khi biết thông tin Nhà nước có chính sách cho những người mới chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, tôi đã tìm hiểu và được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn, tạo điều kiện hoàn thiện các thủ tục liên quan. Với số tiền vay được, tôi sẽ đầu tư trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế.

Theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 10/10/2023, người chấp hành xong án phạt tù; cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Về mức vốn cho vay, đối với vay vốn đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người. Đối với vay vốn sản xuất, kinh doanh, mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người và 2 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Về lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay hộ nghèo (6,6%/năm); thời hạn vay tối đa là 5 năm.

Thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với các đơn vị (như Sở Tài chính, Công an tỉnh) và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách các đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện để được vay vốn; giám sát việc sử dụng nguồn vốn đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả; thu hồi nợ theo quy định...

Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân cho 17 người đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn theo Quyết định số 22, với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng. Thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền để lan tỏa chính sách này trong cộng đồng.