Thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương: Theo kết quả rà soát cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 736 hộ, chiếm 2,86%, giảm 317 hộ so với đầu năm (vượt 0,36% kế hoạch tỉnh giao, vượt 0,65% kế hoạch huyện đề ra); toàn huyện giảm 209 hộ cận nghèo, hiện còn 790 hộ, bằng 2,88%.
Cán bộ xã Phủ Lý (Phú Lương) trao trâu giống được hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn xã theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (tháng 11-2023). |
Để đạt được kết quả nêu trên, theo đồng chí Lê Văn Trọng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lương: Năm 2023, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đây là những "đòn bẩy" giúp các xã, thị trấn nhanh chóng giảm số hộ nghèo, cận nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Điển hình là thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững, trong năm, huyện đã triển khai 3 mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí từ ngân sách là trên 3 tỷ đồng, hỗ trợ 74 hộ. Theo đó, các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê ở xã Yên Đổ, Động Đạt, Yên Trạch, Phủ Lý, Ôn Lương đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ có cơ sở thoát nghèo bền vững.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Ma Thị Các, ở xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành, là một hộ mới thoát nghèo, cho biết: Đầu năm 2023, gia đình tôi được hỗ trợ một con trâu giống và được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, gia đình tôi đã mua thêm bò giống và trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò. Gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Gia đình bà Các là 1 trong số 20 hộ đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo ở xã Hợp Thành sau khi được sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo đồng chí Lương Hải Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành: Cùng với hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, xã đã lồng ghép các chương trình giảm nghèo để hỗ trợ người dân về tư liệu sản xuất để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Kết quả năm 2023, xã Hợp Thành đã giảm 20 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo (hiện cả xã còn 45 hộ nghèo và 47 hộ cận nghèo).
Cùng với việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế, để người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo có việc làm ổn định, thu nhập bền vững, thời gian qua, huyện Phú Lương đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, ưu tiên các lao động ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, cận nghèo. Riêng năm 2023, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức được 7 phiên giao dịch việc cho trên 1.500 người tham dự; phối hợp tổ chức 35 lớp đào tạo nghề sơ cấp, thường xuyên cho 1.144 lao động (vượt 43% kế hoạch năm), trong đó có 190 hộ nghèo, cận nghèo.
Qua các lớp đào tạo nghề đã có trên 80% số lao động có việc làm hoặc làm nghề cũ nhưng năng suất cao hơn, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho địa phương. Trong năm, 1.737 lao động, trong đó có 81 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn cũng được các ngành chức năng giới thiệu, tư vấn và có việc làm ổn định (tăng 8,6% kế hoạch).
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, triển khai các mô hình phát triển kinh tế hỗ trợ người nghèo, huyện Phú Lương đã triển khai tích cực các chính sách giúp người nghèo. Theo số liệu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023, huyện đã hỗ trợ cho 123 gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới nhà ở (vượt trên 207% kế hoạch năm), với tổng số kinh phí là trên 7,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý là cùng với gần 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và 520 triệu đồng từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, huyện Phú Lương đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa và huy động được trên 4,6 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo. Hiện nay, 100% hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, trên 96% được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin