Trong thời gian ngắn số người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vác - xin phòng bệnh dại tăng đột biến và đã có nhiều trường hợp tử vong. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã có 22 trường hợp tử vong do bệnh dại (cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023) và trên 100 nghìn người phải đi tiêm vác-xin phòng bệnh dại khi bị cho, mèo cắn. Tại địa bàn tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có 01 trường hợp ở xã Dân Tiến (huyện Võ Nhai) bị mèo cắn, không tiêm phòng nên đã tử vong do phát bệnh dại. Cùng đó là có gần 1.600 trường hợp ở trong tỉnh bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng…
Cán bộ thú y cơ sở tiêm vác - xin phòng bệnh dại cho đàn chó của người dân ở phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên) |
Quyết định số 2151/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêm vác - xin phòng bệnh dại phải đạt 70% tổng đàn chó, mèo nuôi nhưng kết quả thực hiện bình quân chung cả nước mới ở mức gần 50%. Tỉnh Thái Nguyên là địa phương được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đánh giá là địa phương có nhiều giải pháp trong việc tuyên truyền, vận động người dân tiêm vác - xin cho đàn chó, mèo nhưng cũng mới đạt gần 60% tổng đàn. Ở các vùng nông thôn, miền núi trong tỉnh, tỷ lệ tiêm phòng vác - xin phòng bệnh dại cho chó, mèo đạt rất thấp. Cùng đó là một số người dân khi bị chó, mèo cắn nhưng không đi tiêm vác - xin phòng bệnh kịp thời còn phổ biến.
Theo thống kê của ngành Y tế, bình quân mỗi năm cả nước có gần 600 nghìn người bị chó, mèo cắn và trên 100 người tử vong. Chi phí để giải quyết hậu quả khi bị chó, mèo cắn và các hệ lụy của bệnh dại hết gần 100 tỷ đồng/năm. Ngay 2 tháng đầu năm 2024 cả nước đã có 22 người bị chó, mèo cắn nhưng không tiêm phòng kịp thời, phát bệnh dại và tử vong. Nguyên nhân khiến bệnh dại bùng phát thời gian qua là do thời tiết đổi mùa, ẩm ướt nên bệnh dại có cơ hội lây lan. Đặc biệt là sự chủ quan, lơ là trong việc tiêm vác - xin phòng dại cho chó, mèo cũng như quản lý đàn chó, mèo không chặt chẽ; Không tiêm phòng huyết thanh kháng dại khi bị động vật nghi dại cắn hoặc tự chữa trị không đúng hướng dẫn của cơ quan y tế. Do vậy, Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỉ lệ tiêm vác - xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.
Mèo là thú cưng của nhiều gia đình ở đô thị. |
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể phòng tránh được khi mỗi người dân có ý thức tự bảo vệ mình và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đàn chó, mèo. Cùng đó là các cấp chính quyền triển khai thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quyết liệt hơn nữa.
Đồng chí Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh: Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030 đã đưa ra nhiều mục tiêu và có các giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt. Đặc biệt, ý thức phòng, chống bệnh dại của một bộ phận nhân dân chưa cao nên chưa tiêm phòng khi bị cho, mèo cắn. Điều này dẫn tới thực trạng khi phát bệnh người nhà mới đưa tới cơ sở y tế, nhất là trẻ em nên để lại hậu quả nặng nề, nhiều trường hợp đã tử vong.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, đề nghị người dân nên thực hiện tốt các biện pháp, như: Nuôi chó, mèo cần tiêm vác - xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo; Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút hoặc rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; Hạn chế làm dập vết thương, không băng kín vết thương và kịp thời đưa người bị chó, mèo cắn đến cơ sở y tế để khám, chữa trị; Hướng dẫn trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin