Đôi bàn tay nhăn nheo khẽ chạm vào chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ trên ngực trái, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Tăng ở tổ 7, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) bồi hồi nhớ lại một mốc son chói lọi của cả dân tộc, cũng là niềm tự hào của mình khi được trực tiếp tham gia vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”... Ông Tăng kể lại: Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ là Huy hiệu của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng những cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ 13-3 đến 7/5/1954 đặt ra theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là phần thưởng của Bác Hồ và Chính phủ tặng thưởng, bởi vậy, ai được nhận Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cũng đều vinh dự và tự hào.
70 năm qua, chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ luôn được cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Tăng nâng niu, trân trọng. Ảnh: Lăng Khoa |
Ngược thời gian trở về 70 năm trước, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước sang đợt tấn công thứ 2 vào tháng 4/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh mặt trận lúc bấy giờ đã nảy sinh ý tưởng thiết kế một tấm huy hiệu mang biểu tượng của chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm cổ vũ, tri ân tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ. Yêu cầu của Bộ Chỉ huy mặt trận là chiếc huy hiệu cần được đặc tả gồm có hình rừng núi, hình ảnh người chiến sĩ với chiếc mũ nan ở tư thế xung phong và có pháo binh, nhất là cao xạ, loại vũ khí lần đầu tiên xuất hiện ở Chiến dịch Điện Biên Phủ và đặc biệt phải thể hiện được tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta.
Hai họa sĩ Nguyễn Bích và Mai Văn Hiến là những bậc đại thụ của nền mỹ thuật cách mạng đang công tác tại báo Quân đội nhân dân tiền phương được Bộ Chỉ huy mặt trận triệu tập, giao trọng trách nặng nề mà đầy thiêng liêng này. Sau nhiều ngày cặm cụi, miệt mài phác thảo 10 mẫu thiết kế, hai họa sĩ đã hoàn thiện chiến Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ, chuyển về hậu phương và sang nước bạn để sản xuất hàng loạt. Trong chiếc huy hiệu nhỏ bé với đường kính 2cm là hình ảnh đồi núi địa hình hiểm trở của chiến trường; trên sắc vàng của cánh đồng lúa Mường Thanh lá cờ đỏ sao vàng mang dòng chữ “Quyết chiến, quyết thắng” và một chiến sĩ đội mũ nan lưới cầm súng quả cảm hướng về phía trước; bên trái còn có nòng pháo cao xạ giương lên sẵn sàng nhằm thẳng quân thù mà bắn và dòng chữ “Xuân 1954” để ghi dấu trận đánh quan trọng này.
Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Ảnh: Lăng Khoa |
Chiến dịch toàn thắng, mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch ngày ấy được tặng thưởng một chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Bảy thập kỷ đã qua đi, những người chiến sĩ quả cảm năm nào nay người còn, người mất nhưng chiếc huy hiệu bình dị, nhỏ bé vẫn luôn là báu vật được được nâng niu, gìn giữ bởi những người ở lại. Bởi, đó không chỉ là kỷ niệm, mà còn là máu xương của bao lớp người và là ý chí của cả một dân tộc quyết không lùi bước trước quân thù xâm lăng.
Năm nay dù đã 91 tuổi, mái tóc bạc trắng như cước nhưng chiến sĩ Điện Biên Trần Văn Đáp, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vẫn không thể nào quên những năm tháng hào hùng ấy: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1 là 3 trung tâm đề kháng kiên cố nhất, mạnh nhất của quân đội Pháp. Hồng Cúm là cứ điểm cuối cùng của quân Pháp bị quân ta tiêu diệt trong đêm 7/5/1954. Sau ngày chiến thắng, chúng tôi được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Đó là niềm vinh dự lớn nhất của những người được tham gia chiến dịch, mãi mãi không thể nào quên!
Báo Thái Nguyên gặp mặt, tri ân các Chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP. Điện Biên. |
Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những người đã góp phần làm nên chiến công lừng lẫy năm nào lại trang trọng gắn lên ngực áo chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, nơi nhịp đập trái tim âm vang niềm tự hào, khí thế sục sôi của một thời máu lửa: Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên trên ngực/Trái tim đã từng thử lửa tự hào...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin