An toàn lao động (ATLĐ) phải bằng hành động cụ thể. Bởi sau lưng mỗi người lao động (NLĐ) là tổ ấm gia đình. Ở đó, mỗi NLĐ đều có những người thân đang chờ đợi. Nhiều khi tiền công không còn quan trọng, sinh mạng con người mới là tất cả.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng AT-VSLĐ tỉnh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLĐ tại Công ty CP Kết cấu thép số 5 (TP. Thái Nguyên). |
Tổn thất từ mất an toàn lao động
Vì một chút chủ quan, sơ ý, tai nạn lao động (TNLĐ) có thể xảy ra làm NLĐ phải chung sống với thương tật, nặng hơn thì mất đi mạng sống. Anh Ma Bá Du, xóm Nam Thái, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Tôi bị cụt mất 1 chân do TNLĐ khi đang làm công nhân Công ty CP Công nghiệp FUJI Việt Nam (TP. Sông Công). Kết quả giám định mới nhất, tôi bị tổn thương mất 51% sức khỏe.
Mất 1 chân nhưng còn được sống như anh Du để vợ con cậy nhờ, bà con chòm xóm động viên vẫn là may, vì không ít người mất đi mạng sống do TNLĐ. Ví như các trường hợp không còn cơ hội “rút kinh nghiệm” như anh Nguyễn Quang L., công nhân Nhà máy Luyện thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên); Phùng Văn Đ., công nhân Công ty CP Đá ốp lát và Vật liệu xây dựng (TP. Thái Nguyên); Lý Nam T., công nhân Công ty CP Vật liệu và xây dựng Tân Long (TP. Thái Nguyên)… đều tử vong do TNLĐ.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: 5 năm trở lại đây, trong khu vực có quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 538 vụ TNLĐ, với 588 nạn nhân (55 người chết). Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng An toàn - vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh, cho biết: Đây là thống kê được doanh nghiệp báo cáo theo quy định, còn không ít trường hợp sau khi bị TNLĐ, giữa doanh nghiệp và gia đình có sự thỏa thuận, nạn nhân được đền bù thỏa đáng nên không muốn cơ quan chức năng vào cuộc.
Không chỉ thiệt hại về người, các doanh nghiệp còn phải gánh chịu nhiều thiệt hại về kinh tế. Liên quan đến các vụ TNLĐ trong 5 năm vừa qua là gần 15.000 ngày nghỉ và gần 15 tỷ đồng cho chi phí về y tế; trả lương cho NLĐ trong thời gian điều trị; bồi thường, trợ cấp cho gia đình có người bị TNLĐ.
Người lao động Công ty CP Cơ khí Gang thép (TP. Thái Nguyên) chấp hành nghiêm túc các quy định về ATVSLĐ. |
Được biết, 100% vụ TNLĐ có báo cáo đều được cơ quan chức năng vào cuộc, xác định nguyên nhân, ban hành quyết định yêu cầu doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ phải bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân. Nhưng dù được bồi thường tới đâu thì nhiều lao động vẫn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Không ít trường hợp bị chết, để lại vợ (chồng) con thơ nheo nhóc. Còn doanh nghiệp không chỉ bị thiệt hại kinh tế, mà còn mất uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu.
An toàn để về nhà
Nhằm giảm nguy cơ xảy ra TNLĐ, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho NLĐ. Bản thân NLĐ cũng có ý thức hơn trong chấp hành công tác ATVSLĐ. Với suy nghĩ an toàn để trở về nhà với người thân yêu trong gia đình.
Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, cho biết: Các cấp, ngành chức năng của tỉnh, trực tiếp là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp. Thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, Sở tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hơn trong tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ. Góp phần giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro về người và tài sản, đồng thời khẳng định được uy tín, thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thương trường.
Ông Đặng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Cơ khí Gang Thép (TP. Thái Nguyên), cho biết: Công ty có 355 lao động thuộc diện phải giao kết hợp đồng lao động, trong đó có 217 NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Vì thế, Công ty luôn coi trọng công tác ATVSLĐ. Việc cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện kiểm tra là cơ hội tốt để đơn vị hoàn thiện hơn công tác này.
Nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động, Công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới (TP. Phổ Yên) chủ động ban hành các nội quy, quy trình bảo đảm an toàn lao động. |
Từ nhận thức rõ sản xuất an toàn là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư cho công nghệ sản xuất đồng bộ, tiên tiến, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và NLĐ được làm việc trong môi trường an toàn.
Hầu hết doanh nghiệp cũng đã xây dựng được nội quy, quy chế ATLĐ. NLĐ trước khi vào làm việc trong nhà máy, công trường đều được học, hoặc hướng dẫn thực hiện một số biện pháp ATLĐ. Hằng năm, ngoài các lớp tập huấn về ATLĐ do cơ quan chức năng trực tiếp tổ chức, có khoảng 10.000 NLĐ được doanh nghiệp chủ động mở lớp huấn luyện về ATLĐ.
Môi trường làm việc an toàn, NLĐ sẽ làm việc chuyên tâm hơn, không phải cảnh giác, lo lắng về nguy cơ xảy ra tai nạn. Anh Nguyễn Phi Hưng, NLĐ tại Công ty CP Môi trường Việt Xuân Mới (TP. Phổ Yên), chia sẻ: ATLĐ tạo cho đơn vị có môi trường làm việc thân thiện, tích cực. Từ đó, NLĐ gắn bó, làm việc trách nhiệm hơn vì cảm nhận được sự tôn trọng của chủ sử dụng lao động…
Không riêng anh Hưng, mà hơn 200.000 NLĐ làm việc ở trên 10.00 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều mong muốn được làm việc trong môi trường lao động an toàn, để cuối ngày làm việc được trở về bên người thân yêu của mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin