Kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã khép lại non nửa thế kỷ, những người lính từng một thời xông pha trong “mưa bom, bão đạn” nay đều ở tuổi chân chậm, mắt mờ, song ký ức màu lửa của một thời trận mạc oai hùng không bao giờ phai nhạt. Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày đất nước thống nhất, chúng tôi ghi lại câu chuyện của những cựu chiến binh (CCB) từng sống và chiến đấu nơi “hòn tên mũi đạn”, được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và hiện đang sống, làm việc ở TP. Thái Nguyên.
Dũng sĩ diệt Mỹ Mùng Viết Hòa (thứ 2 từ bên phải) cùng các cựu chiến binh phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên). |
"Đơn vị chúng tôi ngụy trang bằng áo cỏ, bẹp trên nền đất, bò dưới ánh đèn pha cực mạnh và đèn quét hồng ngoại. Mất 3 tiếng đồng hồ mới trườn qua 19 lớp rào kẽm gai. Nguy hiểm khi xen giữa các lớp rào là mìn địch cài dày đặc…" - CCB Hoàng Minh Châu (phường Chùa Hang) nhớ lại.
Đó là trận đánh cao điểm tại núi Hòn Công, TX. An Khê (Gia Lai), nơi đồn trú của sở chỉ huy thông tin - khu trung tâm liên lạc của địch. Trận đó đơn vị chia 2 mũi tiến công. Mũi ông Châu phụ trách gồm các chiến sĩ đặc công thực hiện phương án luồn sâu, đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy của địch. Để tiếp cận được đài liên lạc, đồng đội trong đơn vị đứng lên vai nhau làm thang.
Ông Châu kể: Khi vừa leo lên đến nơi thì phát hiện 5 lính Mỹ đang gà gật bên khẩu đại liên, tôi dùng súng AK diệt gọn. Tiếng súng làm bọn lính gần đó thức giấc, chúng lao vào tôi như hổ đói. Tôi bình tĩnh lựa đòn, dùng lưỡi lê hạ lần lượt từng tên. Cũng khi đó đồng đội tôi cho nổ bộc phá theo hiệp đồng chiến đấu. Toàn bộ quân địch trong lô cốt bị tiêu diệt. Sau trận đánh, bình công luận thưởng, tôi được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp Ưu tú” và Huân chương Chiến công hạng Nhất do đã tiêu diệt được 17 lính Mỹ.
Chuyện chiến đấu, CCB Hứa Xuân Chương (phường Trưng Vương) kể: Sau huấn luyện, đơn vị chúng tôi hành quân ròng rã từ Thái Nguyên vào mặt trận Quảng Trị mất 2 tháng. Toàn đi bộ, vậy mà trận mạc ai cũng hăng hái. Tôi trực tiếp đánh 5 trận trực diện với lính Mỹ. Sau trận đánh cao điểm Động Sa Mùi, tôi được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Giây lát ngừng lời như để kiềm nén xúc động, ông Chương tiếp tục câu chuyện: Đã là gì đâu, như trong Hội CCB TP. Thái Nguyên còn có nhiều người đạt thành tích chiến đấu xuất sắc hơn tôi, ví như CCB Nguyễn Văn Chắc, cùng ở phường Trưng Vương, 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; CCB Nguyễn Việt Cường (phường Phan Đình Phùng) 3 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ, trong đó 1 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 1 danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay và 1 danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới. Đặc biệt, CCB Phạm Hồng Hải (phường Hoàng Văn Thụ) 4 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Nhìn tấm huân, huy chương hồng tươi trên ngực áo những người CCB già, tôi liên tưởng ở phía sau ánh hào quang chiến thắng là năm tháng chiến đấu ngoan cường, không ngần ngại hiểm nguy, đối diện với đạn thù. CCB Đàm Quang Bẩy (phường Đồng Bẩm) là một người lính như thế. Ông tham gia đánh trực diện với lính Mỹ, Ngụy hàng chục trận, được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất, hạng Hai, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Hai, hạng Ba; Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp Ưu tú và Huy hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới.
Ông ôn tồn bảo: Đánh trận nhiều, nhưng tôi nhớ nhất trận đánh tăng địch trên đường 13, thuộc tỉnh Bình Long. Đêm tháng 8-1967 ấy, trăng sáng lắm, từ vị trí ém quân chúng tôi nhìn rõ từng mục tiêu địch. Ngay khi nhận lệnh khai hỏa, đơn vị đánh cấp tập làm 9 xe tăng địch bốc cháy ngùn ngụt. Trận Bù Đốp (Phước Long), đơn vị tôi bắn hỏng 1 máy bay trực thăng và tiêu diệt gần 100 lính biệt kích dù Mỹ. Rồi trận đánh vào tháng 4-1975, tôi được giao nhiệm vụ làm trợ lý tác chiến cho Bộ Chỉ huy Miền, trực tiếp tham gia cùng Bộ Chỉ huy Sư đoàn 312 lên phương án tiêu diệt Sư đoàn 5 Ngụy ở căn cứ Lai Khê, Bến Cát và Phú Lợi. Đó là một trận đánh ác liệt, gần 15 giờ liên tục giằng co đơn vị mới làm chủ được trận địa.
Các cựu chiến binh xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên) trong một buổi gặp mặt. |
Lớp người sinh ra sau ngày đất nước thống nhất sẽ thật khó hình dung sự khủng khiếp của chiến tranh. Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Lệ (xã Phúc Trìu) nói: Tôi có gần 3.900 ngày ở mặt trận, tham gia 70 trận đánh, quen đến mức nghe tiếng đạn là biết từ hướng nào bắn tới, nghe cách bắn biết đối thủ của mình là lính Mỹ hay Ngụy. Mùa Hè năm 1966, trong trận giáp công với địch ở ngã ba Đông Dương, tôi đã dùng B40 diệt 1 xe tăng địch. Trận mạc, đồng đội bảo tôi từ cõi chết trở về. Tôi bị 1 viên đạn bắn xuyên vào lồng ngực; bị đạn pháo hạng nặng “chôn sống” dưới lớp đất dày, hơn 1 ngày sau đồng đội phát hiện, cứu tôi.
Sự tàn khốc của đạn, bom chiến tranh làm những người lính trận chai sạn, đanh lại. CCB Đỗ Xuân Bộ (xã Cao Ngạn) tự hào nói: Tôi tham gia chiến trường miền Nam từ năm 1972 cho đến ngày chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Nhưng đụng địch nhiều là năm 1974-1975, hơn 30 trận. Lửa đạn ác liệt nhất là các trận “mở cửa tử” cho bộ đội tiến vào Sài Gòn. Điển hình là trận đánh giáp công ngày 20/3/1975, đơn vị bắt sống chuẩn tướng địch. Cam go hơn là trận đánh Đồng Dù, Củ Chi, Hậu Nghĩa ngày 29/4/1975, rất nhiều đồng đội tôi hy sinh mới “mở được cánh cửa thép” cho các đơn vị bạn tiến vào Sài Gòn. Sau trận đánh này, Sư đoàn 320A của chúng tôi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Bản thân tôi được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Ngụy.
Những người lính đã “xẻ dọc Trường Sơn” bằng chính đôi chân mình vào các mặt trận phía Nam. Đã chiến đấu bằng tinh thần quả cảm làm Mỹ, Ngụy kinh hoàng, khiếp đảm. Dũng sĩ diệt Mỹ Mùng Viết Hòa (phường Tân Thịnh) chia sẻ: Tôi tham gia đánh nhiều trận, nhưng ấn tượng khó phai là trận đánh cản đường tiến của bọn “Mỹ Lết” (Mỹ lết là đội quân thiện nghệ nhà nghề của Mỹ). Chúng có máy bay và vũ khí hạng nặng hỗ trợ. Là chỉ huy trung đội, tôi nhận định: Nếu trực diện quân ta sẽ bị tổn thất nặng, thậm chí xóa sổ cả đơn vị. Nên chúng tôi tổ chức cài mìn tại một số điểm dự định máy bay địch cho đổ quân. Quả nhiên cả 2 lần đổ quân, địch đều rơi vào trận địa đơn vị giăng sẵn. Bọn “Mỹ Lết” khiếp vía kéo xác nhau gọi trực thăng “hốt” về cứ.
Dũng sĩ diệt Mỹ Trần Xuân Thành, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên). |
Phía sau những danh hiệu dũng sĩ là cả câu chuyện dài cam go, khốc liệt và lòng quả cảm của người lính chiến. CCB Trần Xuân Thành (phường Tân Thịnh) từng 2 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và nhiều Bằng khen trong thời gian tham gia chiến đấu ở mặt trận miền Nam. Lần 1 đánh Sư đoàn kỵ binh bay; lần 2 đánh Sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ…
Còn nhiều nữa những Dũng sĩ diệt Mỹ - những người lính trở về sau lửa đạn chiến tranh, ngực áo phủ dày huân, huy chương và những danh hiệu ngời đỏ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Tất cả đã đi về miền ký ức, một ký ức tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Ký ức mang màu lửa tôi luyện nên những con người kiên trung, bất khuất. Để cuộc đời thường hôm nay, phẩm chất người lính lại ngời sáng bằng hành động tiên phong, gương mẫu, đi đầu các phong trào thi đua yêu nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin