Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) qua nhiều hình thức, nhằm hình thành ý thức cảnh giác của mỗi người với cháy, nổ, xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC, hạn chế các vụ cháy, nổ xảy ra.
Tuyên truyền về PCCC cho sinh viên Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên. |
Tính trong quý I/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 vụ cháy, gây thiệt hại khoảng 230 triệu đồng. So với cùng kỳ, số vụ cháy tăng 10 vụ và giá trị thiệt hại giảm 660 triệu đồng. Trước tình hình nguy cơ chảy, nổ ngày càng gia tăng, nhất là khi bước vào mùa nắng nóng, công tác kiểm tra được lực lượng chức năng của tỉnh quan tâm tăng cường.
Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tới nhiều đối tượng như: học sinh, sinh viên, hộ dân có nhà ở kết hợp kinh doanh, thành viên làng nghề… với phương châm “tuyên truyền phải đi trước một bước”.
Để chủ động làm tốt công tác PCCC&CNCH theo Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) đã phối hợp với công an các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động mỗi gia đình tự trang bị ít nhất một bình chữa cháy; mở lối thoát nạn thứ hai; cài đặt và sử dụng thành thạo ứng dụng “Báo cháy 114” trên điện thoại thông minh.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay, ủng hộ bình chữa cháy cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 85% hộ dân được trang bị bình chữa cháy.
Ngoài ra, nhằm nâng cao nhận thức về an toàn PCCC cho mọi người dân, cơ quan, doanh nghiệp, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC với nhiều hình thức, phù hợp với nội dung và đối tượng, đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở.
Cư dân chung cư Tecco, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), được hướng dẫn và thực hành sử dụng bình chữa cháy cầm tay. |
Năm 2023, tỉnh đã tổ chức trên 200 buổi tuyên truyền, phổ biến điểm tại 177/177 xã, phường, thị trấn; tổ chức huấn luyện cho 100% đội viên đội dân phòng kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH. Thái Nguyên cũng thành lập trên 2.200 điểm chữa cháy công cộng, hơn 530 tổ liên gia an toàn PCCC…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, từ chỗ xem PCCC là nhiệm vụ của lực lượng chức năng thì nay, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, xác định đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người, mọi nhà để đảm bảo an toàn trong khu dân cư.
Chị Trần Thị Xuân, cư dân ở chung cư Tiến Bộ, phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Sau khi được tuyên truyền, gia đình tôi đã tự trang bị thang dây, kìm cắt và bình cứu hỏa. Tôi nghĩ, khi hỏa hoạn xảy ra, quan trọng nhất là phản ứng của các thành viên trong gia đình, sau đó mới là chờ đợi đội chữa cháy chuyên nghiệp…
Theo Thượng tá Phan Thanh Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh): Thực tế cho thấy, ý thức và kiến thức về PCCC của mỗi người dân là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến công tác đảm bảo an toàn PCCC. Chính vì vậy, trong những năm qua, hoạt động tuyên truyền được đổi mới theo hướng thực tế, tập trung hướng dẫn nhân dân những kiến thức cơ bản, kỹ năng chữa cháy và thoát nạn trong từng trường hợp xảy ra cháy, đặc biệt là trải nghiệm quy trình chữa cháy và CNCH. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều buổi tuyên truyền tới quần chúng nhân dân những kiến thức pháp luật và các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC&CNCH, trọng tâm là hướng dẫn xử lý các tình huống cháy, nổ và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại nhà ở gia đình, nhà chung cư, trường học, nơi tập trung đông người…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin