Chung tay xây dựng nông thôn sạch, nông nghiệp xanh

Lưu Phượng 08:34, 05/07/2024

Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu. Nhận thức được điều này, các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn huyện Phú Lương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền hội viên, người dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường. Nông dân, các chủ thể sản xuất, kinh doanh cũng tích cực áp dụng những phương pháp canh tác mới, góp phần xây dựng nông thôn sạch, nông nghiệp xanh.

Mô hình Ngôi nhà xanh bảo vệ môi trường gây quỹ hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn của Chi hội Nông dân tổ dân phố Cầu Lân, thị trấn Đu (Phú Lương).
Mô hình "Ngôi nhà xanh bảo vệ môi trường" gây quỹ hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn của Chi hội Nông dân tổ dân phố Cầu Lân, thị trấn Đu (Phú Lương).

Từ đầu năm đến nay, thực hiện phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, HND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Lương đã đồng loạt thành lập các mô hình nông dân tự quản, bảo vệ môi trường với những sáng kiến, tên gọi, hình thức hoạt động phù hợp.

Tại xã Ôn Lương, HND phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập mô hình “Tổ tự quản xóm phân loại rác thải tại nguồn xây dựng nông thôn mới” tại các xóm Thâm Trung, Khau Lai, Cây Thị. Chị Triệu Thị Vấn, Chủ tịch HND xã, cho biết: Chúng tôi đã trích quỹ cũng như kêu gọi vận động được 15 triệu đồng để mua sắm thùng rác, các dụng cụ cần thiết. Hội cũng phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn về phân loại rác thải tại nguồn, sử dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, xử lý rác thải; ra quân dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm hàng tháng; trồng cây xanh tại các tuyến đường.

Còn tại xã Yên Lạc, HND xã đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thành niên thu gom các thùng, hòm bằng inox không sử dụng để tái chế thành những “Ngôi nhà pin” tặng cho các xóm và cử người thu gom đưa về đơn vị chuyên môn xử lý theo quy định. Mô hình này nhằm tuyên truyền người dân hiểu những mối nguy hại từ các loại pin đến nguồn đất, nước và sức khỏe con người nếu không được phân loại, xử lý đúng cách.

Cùng với tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, người dân, các chủ thể sản xuất, kinh doanh cũng chủ động áp dụng các phương pháp canh tác trong chăn nuôi, trồng trọt thân thiện với môi trường. Hợp tác xã (HTX) Nông sản Phú Lương (tại xã Ôn Lương) đang áp dụng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Từ năm 2022, đơn vị này đã đầu tư một xưởng sản xuất phân bón hữu cơ tại chỗ. Nguồn nguyên liệu là phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp thu gom của người dân trong vùng và dùng chế phẩm vi sinh để ủ. Khi đã tạo ra một lượng phân vi sinh hữu cơ ổn định, HTX sẽ cung cấp cho chính các hộ dân liên kết với HTX để bón cho cây trồng. 

Theo anh Tống Văn Viện, Giám đốc HTX nông sản Phú Lương, cách làm này vừa giúp bà con tận dụng tối đa phế, phụ phẩm trong nông nghiệp vào sản xuất, giảm thiểu rác thải, góp phần bảo vệ môi trường sống của chính người dân; đồng thời giúp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè cũng như mặt hàng nông sản khác.

Mô hình nuôi hươu sao kết hợp trồng sâm nam theo quy trình tuần hoàn, khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường của gia đình ông Nguyễn Đức Hiền, ở xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ (Phú Lương).
Mô hình nuôi hươu sao kết hợp trồng sâm nam theo quy trình tuần hoàn, khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường của gia đình ông Nguyễn Đức Hiền, ở xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ (Phú Lương).

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường, HND huyện đã chỉ đạo hội các xã, thị trấn đăng ký những việc làm cụ thể trong xây dựng nông thôn mới như: đảm nhận việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn; đăng ký các tuyến đường nông dân tự quản; tổ chức hội viên thăm quan, học hỏi các mô hình hay về bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh...

Hội HND huyện cũng vận động được 13.720 hộ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì sức khỏe cộng động, thực hiện 3 không (không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu thụ thực phẩm bẩn) và tham gia phòng chống chất thải nhựa.

Đến nay, toàn Hội đã xây dựng được 45 mô hình nông dân bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại xử lý rác thải nhất là bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở 15 xã, thị trấn. 

Bà Trịnh Ngọc Trà, Chủ tịch HND huyện Phú Lương, cho biết: Để chung tay xây dựng nông thôn sạch, nông nghiệp xanh, thời gian tới, HND Phú Lương sẽ tập trung phối hợp tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, mô hình hay trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp để tự sản xuất ra các dòng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học. Từ đó giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng...