Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã tập trung thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Qua đó góp phần giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thêm cơ hội thoát nghèo.
Gia đình bà Dương Thị Thăng (ở xóm Đình Thượng, xã Bảo Lý, Phú Bình) đang chăn nuôi 40 con gà, ngỗng để lấy trứng. |
Gia đình bà Ma Thị Cát, xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành (Phú Lương), từng nhiều năm liên tục nằm trong diện hộ nghèo. Cuối năm 2023, từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gia đình bà được cấp một con trâu sinh sản và trông thêm cỏ voi để phát triển chăn nuôi. Bà Cát cho biết: Trước đây, tôi cũng có ý định mua một con trâu hoặc bò cái sinh sản nhưng không có điều kiện. Khi được Nhà nước cấp trâu để nuôi, tôi rất vui mừng nên cố gắng chăm sóc thật tốt để thời gian tới có thêm nguồn thu nhập.
Cũng như gia đình bà Cát, hoàn cảnh của gia đình bà Dương Thị Thăng, xóm Đình Thượng, xã Bảo Lý (Phú Bình), cũng gặp không ít khó khăn. Tháng 2-2024, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 300 con gà giống, 30 bao cám (loại 25kg/bao) và thuốc thú y. Sau một thời gian chăn nuôi, tháng 5 vừa qua bà Thăng đã xuất bán đàn gà.
Bà Thăng cho hay: Có được ít vốn từ bán gà, tôi cùng với con gái đầu tư mua 1.000 con vịt thịt và 40 con gà, ngỗng đẻ trứng về chăn nuôi tiếp. Vịt mới được xuất bán cho thu lãi trên 20 triệu đồng, còn đàn gà đã bắt đầu đẻ trứng. Hiện, gia đình tôi có thu nhập ổn đình từ chăn nuôi và cuối năm nay phấn đấu ra khỏi diện hộ nghèo.
Cùng với những dẫn chứng kể trên, nhiều hộ nghèo, cận nghèo khác trên địa bàn tỉnh đã có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng), do Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên triển khai.
Theo đó, tổng kinh phí đã phân bổ giai đoạn 2021-2024 là 30,5 tỷ đồng (ngân sách Trung ương là 26,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 4 tỷ đồng). Đến nay đã có 42 dự án được triển khai, với các loại hình: chăn nuôi, trồng trọt, liên kết theo chuỗi giá trị… với 1.609 hộ được hưởng lợi (trong đó có 753 hộ nghèo, 689 hộ cận nghèo, 155 hộ mới thoát nghèo và 12 hộ khác ).
Để triển khai có hiệu quả Chương trình, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã phối hợp với các ngành liên quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác giảm nghèo đa chiều, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp làm công tác giảm nghèo; tổ chức tập huấn cho người dân...
Ông Triệu Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên, cho biết: Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn các đơn vị được giao triển khai Dự án đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu của Chương trình và định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đồng thời chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức giám sát, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện, phát hiện, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin