Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu theo các vùng từ 1/7/2024 tăng bình quân từ 200-280 nghìn đồng. Việc tăng lương góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động (NLĐ), song cũng đặt ra áp lực đối với các doanh nghiệp (DN), chủ sử dụng lao động trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Công nhân Công ty TNHH Thang máy và Cơ khí Tân Lập (TP. Thái Nguyên) trong giờ làm việc. |
Người lao động phấn khởi
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG là DN may lớn và luôn đi đầu trong thực hiện các chế độ về tiền lương, phúc lợi cho NLĐ. Ngay sau khi Nghị định 74 có hiệu lực, TNG đã tiến hành rà soát tổng thể lương của NLĐ, đồng thời tăng 6% lương đối với toàn bộ cán bộ, công nhân viên.
Chị Đồng Thị Nhung, công nhân may của TNG, phấn khởi nói: Trong bối cảnh vật giá “leo thang”, nhận được thông tin tăng lương nên tôi rất vui mừng. Bởi thu nhập được cải thiện, gia đình có điều kiện trang trải, chăm lo đời sống hằng ngày tốt hơn. NLĐ cũng nhờ đó mà có thêm động lực cống hiến, thi đua lao động sản xuất.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có trên 190 nghìn lao động làm việc tại các DN, trong đó trên 95% là tại DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Qua tìm hiểu thực tế tại các DN này, chúng tôi thấy mức lương của NLĐ nhìn chung đều được chủ DN thỏa thuận, chi trả bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức “sàn” quy định tại Nghị định 74.
Đơn cử như Công ty TNHH Wiha Việt Nam - chuyên sản xuất các dụng cụ cơ khí cầm tay xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ (ở Khu công nghiệp Sông Công I, TP. Sông Công), NLĐ tuyển dụng mới khi vào làm việc được ký kết hợp đồng với mức lương cơ bản hơn 5 triệu đồng/người/tháng (cao hơn 300 nghìn đồng). Còn nhóm NLĐ có thâm niên từ 2-5 năm trở lên, vừa qua, Công ty đã điều chỉnh tăng lương từ 100-600 nghìn đồng/người (tương đương từ 6,5-7 triệu đồng/người/tháng).
Tương tự, Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình, TP. Phổ Yên (đơn vị chuyên sản xuất, gia công, lắp đặt module camera điện thoại) cũng đã tăng lương cơ bản cho NLĐ tại các bộ phận thêm 6%. Trong đó, NLĐ làm việc tại bộ phận trực tiếp sản xuất đang hưởng mức lương từ 4,7-5,6 triệu đồng/người/tháng, chưa tính các khoản phụ cấp, tăng ca (tăng hơn 6% so với trước).
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. |
Bảo đảm hài hòa lợi ích
Việc tăng lương tối thiểu vùng góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho NLĐ, nhưng cũng đặt ra nhiều áp lực đối với các DN, chủ sử dụng lao động trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức. Bởi tăng lương đồng nghĩa sẽ tăng chi phí sản xuất và các khoản đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, việc DN này áp dụng tăng lương cho NLĐ thêm 6% đã “đội” chi phí sản xuất thêm từ 7-8 tỷ đồng/tháng.
Mặc dù gặp không ít áp lực song các DN vẫn nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa NLĐ và DN. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, chia sẻ: Để giảm áp lực về chi phí sản xuất, TNG tập trung vào nhóm giải pháp đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại, tự động hóa. Điều này giúp tiết giảm nguồn nhân công lao động tại các vị trí trung gian mà vẫn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nhiều DN khác thì chấp nhận cắt giảm lợi nhuận; điều tiết thời gian tăng ca đối với NLĐ một cách hợp lý; tăng cường giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí...
Ông Vũ Duy Hải, Phó Giám đốc Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (TP. Sông Công), cho biết: Mặc dù tăng lương cho NLĐ tạo ra không ít áp lực cho DN, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng vận tải vốn dĩ đang gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhưng chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ phải thực hiện, nhằm giữ chân NLĐ. Cụ thể, theo Nghị định 74, chúng tôi thực hiện tăng lương cho 100% NLĐ (tương đương 1.101 người). Theo đó, hiện nay mức lương đóng bảo hiểm xã hội của NLĐ dao động từ 7-10 triệu đồng/người/tháng (tăng hơn từ 6% so với trước).
Có thể thấy, trong bối cảnh gặp không ít khó khăn, thách thức, các DN tại tỉnh vẫn nỗ lực, thậm chí “thắt lưng buộc bụng” để bảo đảm tăng lương cho NLĐ là điều rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, trước dự báo kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn, cùng với sự nỗ lực tự thân, các DN cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành hiệu quả từ các cấp, ngành như: Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ DN của Trung ương và tỉnh, nhất là vốn vay ưu đãi, khuyến công; hỗ trợ DN chuyển đổi số, gia hạn, giãn thời gian đóng thuế, bảo hiểm xã hội cho NLĐ....
Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, từ 1/7/2024 mức lương tối thiểu tháng tại 4 vùng được quy định như sau: - Vùng I: tăng 280.000 đồng, từ 4.680.000 đồng/tháng lên 4.960.000 đồng/tháng; - Vùng II: tăng 250.000 đồng, từ 4.160.000 đồng/tháng lên 4.410.000 đồng/tháng; - Vùng III: tăng 220.000 đồng từ 3.640.000 đồng/tháng lên 3.860 đồng/tháng; - Vùng IV: tăng 200.000 đồng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.450.000 đồng/tháng. Đối với tỉnh Thái Nguyên, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng như sau: - Vùng II gồm các thành phố Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên. - Vùng III gồm các huyện Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ. - Vùng IV gồm các địa phương còn lại. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin