Đã sau gần 2 tháng thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, với cơ quan, đơn vị công lập hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước thì người lao động (NLĐ) nghiễm nhiên được lĩnh 30% tăng thêm. Nhưng với đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần, hoặc 100% tài chính, thì cả lãnh đạo và NLĐ không khỏi có những nỗi niềm riêng khi nguồn thu chưa tăng.
Tại các bệnh viện, người lao động ở vị trí việc làm chính không lo bị cắt giảm - Ảnh chụp tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. |
Từ 1-7, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng trước đó. Tuy nhiên, “sự kiện” này không phải là niềm hân hoan với tất cả NLĐ đang làm việc tại các đơn vị công lập. Cụ thể là những đơn vị tự chủ về tài chính sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi nguồn quỹ cho chi trả lương không tăng, nhưng lương cho NLĐ “phải” tăng.
Câu hỏi đặt ra là nguồn tài chính bổ sung thêm cho quỹ lương lấy từ đâu? Làm thế nào để giữ chân NLĐ, không cắt giảm vị trí việc làm và giải pháp về tiền lương cho NLĐ phù hợp với quy định mới của Chính phủ.
Ngay thời điểm này, một số đơn vị buộc phải “mở cửa” cho NLĐ thôi việc nếu có nhu cầu; hoặc động viên NLĐ không bảo đảm sức khỏe, bằng cấp chưa đạt chuẩn, làm việc không hiệu quả về nghỉ chế độ và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước. Một số NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng, tuy còn trẻ, có trình độ, năng lực và hoài bão cống hiến vẫn có thể bị "tinh giản" vì quỹ lương không tăng.
Quỹ lương, tiền lương cho NLĐ của đơn vị được rà soát, cân đối lại. Trong trường hợp nguồn thu không tăng, thậm chí bị giảm hơn, nếu ký hợp đồng với NLĐ, đơn vị vẫn phải trả ở mức không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Do lần tăng lương này khá cao (30%), ngoài chi trả lương còn kéo theo các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp và nhiều khoản chi khác. Một số đơn vị buộc phải tinh giản các vị trí việc làm không cần thiết, hoặc thỏa thuận lại với NLĐ (chủ yếu là lao động hợp đồng) về chế độ tiền lương.
Với các đơn vị thực hiện tự chủ về tài chính từ nhiều năm nay, việc thực hiện tăng lương cho NLĐ dường như không bị ảnh hưởng. Bởi sau nhiều năm trải nghiệm, các đơn vị này đã tự trang bị cho mình những kinh nghiệm quý báu về "bươn trải" trong cơ chế thị trường. Họ làm việc có kế hoạch khoa học, dân chủ, chủ động được trong thu - chi và sử dụng các loại quỹ đúng quy định của Nhà nước, trong đó có quỹ lương.
Cũng bởi chủ động về tài chính, việc tuyển dụng, sử dụng lao động được thực hiện công tâm, khách quan. Ví như ngành Y tế Thái Nguyên, một số bệnh viện thực hiện ký hợp đồng lao động dài hạn đối với các vị trí việc làm chính. Theo đó, NLĐ được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Lao động. Còn với những vị trí việc làm phụ, đơn vị ký kết hợp đồng theo thời vụ, hoặc có thời hạn từ 1 đến dưới 3 năm, mức lương theo thỏa thuận. Khi hợp đồng hết thời hạn, lãnh đạo đơn vị và NLĐ có thể ký lại hợp đồng mới nếu có nhu cầu.
Ghi nhận của chúng tôi là đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính phải cắt giảm lao động hàng loạt do quỹ lương hạn chế. Điển hình như các đơn vị giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự chủ về tài chính, 100% NLĐ ổn định vị trí việc làm.
Tuy nhiên, một số đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên có bộc lộ một vài khó khăn. Do chưa có nguồn tài chính bù đắp ngay cho quỹ lương, nên trong tháng 7, đơn vị chi trả cho NLĐ một phần của mức lương tăng thêm 30% theo quy định. Phần còn lại sẽ được trả bù khi có nguồn tài chính bổ sung.
Tự chủ về tài chính là một giải pháp hiệu quả, phù hợp với sự vận động, phát triển xã hội. Tạo cho đơn vị công lập đẩy mạnh cơ chế thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chính vì thế, chủ trương của Chính phủ về thực hiện tăng mức lương cơ sở đã mang lại cho NLĐ mức sống tốt hơn. Nhưng còn đó một nỗi niềm là không ít đơn vị chưa biết trông cậy, khai thác bổ sung thêm nguồn tài chính cho quỹ lương mới ở đâu.
Để có việc làm, nhiều NLĐ chấp nhận ký lại hợp đồng với lãnh đạo đơn vị ở mức lương thấp hơn so với các tháng trước liền kề với tháng 7. Cùng với đó là nỗi lo “lương chạy theo giá”. Và vì nguồn tài chính có hạn, NLĐ có thể bị đơn vị sử dụng lao động cắt giảm bất cứ lúc nào nếu quỹ lương không đủ chi trả.
Một số chính sách tác động đến quyền lợi của người lao động: - Tăng mức đóng BHXH bắt buộc tối đa từ 2,88 lên 3,744 triệu đồng/tháng. - Tăng mức đóng BHYT tối đa từ 540 lên 702 nghìn đồng/tháng. - Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 360 lên 468 nghìn đồng/tháng. - Tăng mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau từ 540 lên 702 nghìn đồng/ngày. - Tăng mức dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản từ 540 lên 702 nghìn đồng/ngày. - Tăng mức trợ cấp 1 lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 9 lên 11,7 triệu đồng nếu suy giảm 5% khả năng lao động. - Tăng mức trợ cấp hằng tháng từ 540 lên 702 nghìn đồng/tháng nếu suy giảm 31% khả năng lao động. - Tăng mức trợ cấp phục vụ cho người bị suy giảm khả năng lao động từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng. - Tăng mức dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật từ 540 lên 702 nghìn đồng/ngày. - Tăng mức lương hưu thấp nhất từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin