Tạo động lực giúp hộ nghèo vươn lên 

Vũ Công 14:35, 12/08/2024

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân. Trong đó, hỗ trợ giống trâu, bò sinh sản là một trong những mô hình thiết thực, tạo tiền đề giúp nhiều hộ có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Dự kiến cuối năm nay, con bò của gia đình chị Lã Thị Lan (ở tổ dân phố 8, phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên) sẽ sinh bê con.
Dự kiến cuối năm nay, con bò của gia đình chị Lã Thị Lan (ở tổ dân phố 8, phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên) sẽ sinh bê con.

Gia đình chị Lã Thị Lan là một trong những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại dân tổ dân phố 8, phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên). Chồng mất sớm, một mình chị phải gánh vác mọi công việc; trong 2 người con thì cháu thứ 2 (học lớp 5) bị thiểu năng trí tuệ. Cũng bởi thế mà ngoài giờ cháu đến trường, chị Lan chỉ có thể quanh quẩn ở nhà để trông con. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong nhà trông cả vào hơn 3 sào ruộng. Đó là lý do khiến gia đình chị Lan luôn quẩn quanh cảnh nghèo khó.

Để giúp gia đình chị có điều kiện vươn lên, từ năm 2020 đến nay, các cấp chính quyền, đoàn thể và nhà hảo tâm đã tăng cường giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, như: tặng nhà mái ấm tình thương; tặng quà nhân các dịp lễ, Tết; hỗ trợ ngày công lao động…

Cuối năm 2023, từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gia đình chị được nhận một con bò sinh sản. Dẫn chúng tôi ra thăm chuồng nuôi bò, chị Lan nói: Do không có thời gian chăn thả nên tôi nuôi bò theo hình thức nhốt chuồng, dành hơn 1 sào ruộng để trồng cỏ làm thức ăn cho bò.

Cách nhà chị Lan không xa là gia đình bà Đỗ Thị Lan, ở tổ dân phố số 6, phường Cam Giá, cũng có hoàn cảnh rất khó khăn và nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo. Bà không có con và hiện sống một mình trong căn nhà cấp 4 mượn của người cô ruột. Mặc dù năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng bà vẫn phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống.

Niềm vui đến với bà Lan khi cuối năm 2023 được hỗ trợ một con bò cái lai Sind. "Sau khi nhận bò, tôi đã mượn khu đất bỏ không của hàng xóm để trồng cỏ voi và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho bò. Tôi mong bò lớn nhanh, sinh ra bê, để có thêm nguồn thu nhập, đỡ phải đi làm thuê vì sức khỏe giờ đã yếu" - bà Lan chia sẻ.

Với việc được giao triển khai Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã tập trung triển khai các dự án hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo. Từ năm 2022 đến nay, Chi cục phối hợp các huyện, thành phố trao hỗ trợ hơn 202 con trâu, bò sinh sản cho 202 hộ nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng.

Ông Triệu Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: Việc hỗ trợ trâu, bò hơn 2 năm qua đã thực sự mang đến niềm vui, tinh thần phấn đấu thoát nghèo cho nhiều hộ dân. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các mô hình hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo ở 2 huyện Phú Bình và Đại Từ, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.