Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, diện mạo huyện Định Hóa thay đổi tích cực, đời sống của người dân được cải thiện. Năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt gần 46 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo, cận nghèo giảm nhanh, từ hơn 4.300 hộ năm 2022 xuống còn trên 2.600 hộ năm 2023. Không chỉ thoát nghèo bền vững, nhiều gia đình đã vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Được tham gia các lớp tập huấn về trồng, chế biến chè, nhiều hộ dân ở Định Hóa đã sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập. |
13 năm bền bỉ “chạy đua” trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, huyện Định Hóa đã nỗ lực đạt mục tiêu đề ra. Điều đó khẳng định nếu các cấp, ngành và người dân đồng thuận, mọi việc dù khó khăn đến mấy cũng có thể được hóa giải thành công. Đặc biệt, trong công tác giảm nghèo bền vững, Định Hóa là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn nhất tỉnh, nhưng huyện đã thực hiện thành công việc “hạ thấp” tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo. Nếu như năm 2022, toàn huyện có hơn 4.300 hộ nghèo, cận nghèo, thì đến hết năm 2023 giảm còn trên 2.600 hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó có hơn 1.400 hộ nghèo, chiếm hơn 5,4%; hộ cận nghèo trên 1.200 hộ, chiếm 4,56%.
Với một huyện miền núi như Định Hóa thì đó là một kỳ tích. Kỳ tích được làm nên bởi cán bộ, đảng viên và người dân đồng thuận. Biểu hiện cao nhất là sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan luôn đồng hành cùng hộ nghèo, cận nghèo thông qua việc triển khai hiệu quả các chính sách của Nhà nước trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; có những vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tế của địa phương.
Huyện xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ cơ bản là do không có đất sản xuất; không có vốn sản xuất, kinh doanh; hoặc có đất, có vốn sản xuất nhưng còn thiếu, chưa đủ đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm cũng như các khoản cần chi tiêu khác trong gia đình, dẫn đến thu nhập không ổn định...
Các cấp, ngành cùng vào cuộc giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, tự chủ trong sản xuất, kinh doanh. Từ khu dân cư đã tập hợp đầy đủ, chính xác danh sách hộ nghèo, cận nghèo, đồng thời gần gũi động viên, chia sẻ, qua đó biết được nhu cầu của gia đình cần được hỗ trợ. Chính vì thế huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện các phương án giảm nghèo phù hợp với từng đối tượng.
Ví như việc tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận được vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi kịp thời; vận động người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề, các hội nghị chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi.
Có vốn đầu tư, có khoa học - kỹ thuật và được trang bị kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, hộ nghèo, cận nghèo còn được các thành viên ban công tác mặt trận khu dân cư trực tiếp “cầm tay chỉ việc”… Thông qua đó, họ đã thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, tự tạo được việc làm mới, chuyển đổi nghề hoặc làm nghề cũ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sau đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn ở huyện Định Hóa đã có nghề mới, nâng cao thu nhập (ảnh chụp tại xã Lam Vỹ). |
Tổng kinh phí được phân bổ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Định Hóa trong 3 năm (từ 2022 đến 2024) là trên 21,1 tỷ đồng, trong đó năm 2022 gần 3,7 tỷ đồng, năm 2023 hơn 7,7 tỷ đồng, năm 2024 hơn 9,7 tỷ đồng. Qua kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng: Toàn bộ nguồn kinh phí được quản lý, sử dụng theo đúng quy định, đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả tiền vốn.
Giai đoạn 3 năm gần đây, bình quân 1 năm, trên toàn huyện có hơn 1.500 lượt người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Hơn 2.200 người lao động được giải quyết việc làm mới, trong đó có 100 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. Hơn 3.800 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tham gia các lớp đào tạo nghề, trong đó có 1.463 người có bằng cấp, chứng chỉ. Hơn 8.700 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được nhà nước hỗ trợ BHYT.
Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, huyện Định Hóa có hơn 1.000 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ làm nhà ở mới, với tổng kinh phí hỗ trợ 62 tỷ đồng; 90 hộ nghèo được hỗ trợ tivi; 732 học sinh con hộ nghèo được hỗ trợ máy tính theo chương trình Sóng và máy tính cho em. Hơn 2.300 hộ nghèo, cận nghèo được nhà mạng Vinaphone hỗ trợ tiếp cận dịch vụ viễn thông, Internet theo Chương trình viễn thông công ích (hỗ trợ sim điện thoại).
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, huyện Định Hóa đã và đang “thay da đổi thịt”. Điều này cho thấy nếu có quyết tâm cao, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được triển khai thực hiện công tâm, dân chủ, rõ ràng, bảo đảm đến đúng đối tượng thụ hưởng… thì giảm nghèo không còn là việc quá khó.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin