Giảm nghèo bền vững ở vùng cao

Tùng Lâm 10:50, 13/01/2024

Do địa hình các xã miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh không thuận lợi, trình độ dân trí còn hạn chế, không ít hộ dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, nên số hộ nghèo luôn chiếm tỷ lệ khá cao. Với nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm trong những năm qua, nên đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm còn 3,35%, riêng năm 2023 giảm 1% so với năm trước. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi giảm 2,1%.

Những năm qua, xã Thượng Nung (Võ Nhai) chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thay đổi diện mạo của địa phương. Ảnh: T.L
Những năm qua, xã Thượng Nung (Võ Nhai) chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thay đổi diện mạo của địa phương. Ảnh: T.L

Theo ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trong năm 2023, số  hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh giảm cao hơn mục tiêu đề ra (vượt kế hoạch 0,1%). Đạt được kết quả này là do các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc. Đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thực hiện Chương trình này, Thái Nguyên đang tiến đến việc hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, bảo đảm quyền con người với 3 chức năng: Phòng ngừa - giảm thiểu - khắc phục rủi ro. Theo đó, tỉnh quan tâm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, bảo đảm ổn định cuộc sống, giải quyết vấn đề nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất giúp người dân xã Phú Đình (Định Hóa) đầu tư thâm canh, tạo vùng chè an toàn.
Chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất giúp người dân xã Phú Đình (Định Hóa) đầu tư thâm canh, tạo vùng chè an toàn.

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh thực hiện 3 dự án ổn định dân cư tập trung, trong đó có 1 dự án ở Võ Nhai (xóm Tân Kim, xã Thần Sa); 2 dự án tại huyện Đồng Hỷ (sắp xếp chỗ ở cho 30 hộ dân ở Bản Tèn và 35 hộ ở xóm Liên Phương, xã Văn Lăng). Tổng kinh phí thực hiện các dự án dự kiến là hơn 78,6 tỷ đồng. Ngoài ra, năm vừa qua, tỉnh đã giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hơn 5.800 hộ dân phân tán ở các xã vùng khó.

Cũng từ thực hiện Chương trình này, các địa phương trong tỉnh có điều kiện hỗ trợ về nhà ở cho người dân ở khu vực miền núi, vùng cao. Riêng trong năm 2023 đã có khoảng 100 hộ nghèo, khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây nhà, từ đó giúp bà con an cư, tích cực phát triển kinh tế để có điều kiện thoát nghèo.

Anh Hoàng Văn Tý, 37 tuổi, dân tộc Mông, ở xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) phấn khởi cho biết: Năm 2022, vợ chồng mình được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng ngôi nhà mới và hơn 19 triệu đồng mua 1 con trâu về nuôi. Có nhà mới, lại có con trâu nái, năm 2023 gia đình mình đã thoát nghèo rồi, giờ thì tập trung làm ăn để nâng cao đời sống...

Được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ người dân tộc Mông ở xã Cúc Đường (Võ Nhai) đã có vốn đầu tư chăn nuôi bò, từ đó nâng cao thu nhập và có điều kiện thoát nghèo.
Được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ người dân tộc Mông ở xã Cúc Đường (Võ Nhai) đã có vốn đầu tư chăn nuôi bò, từ đó nâng cao thu nhập và có điều kiện thoát nghèo.

Từ triển khai Chương trình, các địa bàn vùng khó đã được quan tâm phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Năm vừa qua, tỉnh đã hỗ trợ khoán bảo vệ rừng được hơn 7.765ha, hỗ trợ bảo vệ rừng được trên 6.945ha cho người dân tại 2 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ; triển khai 18 dự án hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị tại 2 huyện Phú Lương, Định Hóa...

Đặc biệt, việc đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Trong năm 2023 đã có 96 công trình với tổng kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng được xây dựng tại các địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) cho biết: Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, điện lưới quốc gia tại các xóm khó khăn của xã (như Liên Phương, Bản Tèn) đã giúp người dân bớt khó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Được sự quan tâm của Nhà nước, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đã được đầu tư xây dựng tại xóm Bản Tèn, tạo điều kiện để trẻ em người dân tộc Mông ở đây được đến trường.
Được sự quan tâm của Nhà nước, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đã được đầu tư xây dựng tại xóm Bản Tèn, tạo điều kiện để trẻ em người dân tộc Mông ở đây được đến trường.

Cũng nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, công tác phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được chú trọng, trong đó tỉnh đã bảo đảm chính sách hỗ trợ 8% học sinh người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được theo học tại các trường phổ thông nội trú. Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng DTTS được quan tâm, các chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám bệnh miễn phí, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em được triển khai thực hiện hiệu quả...

Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài là bảo đảm ổn định đời sống và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Do đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành chức năng và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả 10 dự án thành phần của Chương trình. Từ đó tiếp sức cho các hộ còn nhiều khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững...