Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số

Tùng Lâm 08:06, 09/01/2024

Hiện nay, tỉnh có trên 2.400 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm tỷ lệ trên 33%. Nhằm nâng cao trình độ, năng lực cũng như tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phát triển, những năm qua, Thái Nguyên luôn quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ này.

Giáo viên tại xã Tân Long (Đồng Hỷ) luôn được tạo điều kiện để nâng cao trìn
Giáo viên tại xã Tân Long (Đồng Hỷ) luôn được tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn.

Bà Thái Thị Thìn, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Định Hóa, cho hay: Thời gian qua, công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của huyện được đẩy mạnh và có hiệu quả rõ rệt khi số lượng cũng như chất lượng đội ngũ ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tiêu chuẩn của ngạch công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay.

Minh chứng rõ nét nhất cho nhận định trên của bà Thìn chính là những con số “biết nói” sau đây. Trong số hơn 1.460 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của huyện (chiếm tỷ lệ trên 72%), có tới trên 90% số người có trình độ cao đẳng, đại  học, sau đại học. Đáng nói, từ sự chỉ đạo của UBND huyện, các phòng chuyên môn đã thực hiện việc quy hoạch, lựa chọn cán bộ để bố trí đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, kiến thức quản lý nhà nước, quốc phòng, an ninh và kỹ năng quản lý...

Ông Phùng Văn Đăng, người dân tộc Tày, Chủ tịch UBND xã Thanh Định (Định Hóa), chia sẻ: Sau khi hoàn thành các khóa học, đội ngũ cán bộ được xem xét, bố trí vào những vị trí, chức danh phù hợp, phát huy kiến thức đã học, cơ bản đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ công tác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng luôn quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Nhờ đó, đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh không ngừng được nâng lên khi số người có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm khoảng 96,4%.

Ông Nguyễn Thành Minh, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Đạt được kết quả này là do Thái Nguyên luôn chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, nhất là với những trường hợp là người DTTS theo từng năm. Các cơ quan, đơn vị chọn cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình đào tạo lý luận chính trị, an ninh quốc phòng theo đúng đối tượng, phù hợp với vị trí, chức danh, nhu cầu và quy hoạch được phê duyệt. Đối với các chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm, chuyên môn nghiệp vụ, chúng tôi luôn tham mưu với tỉnh chỉ đạo các cơ quan thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu, từ đó xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình bồi dưỡng theo quy định.

Đội ngũ cán bộ xã Cúc Đường (Võ Nhai) hầu hết là người dân tộc thiểu số, luôn được quan tâm, tạo điều kiện để tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Ảnh chụp tại Bộ phận Một cửa xã Cúc Đường.
Đội ngũ cán bộ xã Cúc Đường (Võ Nhai) hầu hết là người dân tộc thiểu số, luôn được quan tâm, tạo điều kiện để tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Ảnh chụp tại Bộ phận Một cửa xã Cúc Đường.

Thực hiện đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2020-2025”, thời gian qua, các đơn vị liên quan đã luôn quan tâm nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc.

Đặc biệt là bồi dưỡng kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS. Đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Thực tế cho thấy, Thái Nguyên luôn chủ động đổi mới hình thức, phương pháp, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo đó, 3 năm qua, các sở, ban, ngành đã phối hợp tổ chức bồi dưỡng theo vị trí việc làm, chuyên môn nghiệp vụ cho trên 12,78 nghìn lượt cán bộ, công chức.

Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các chương trình bồi dưỡng giáo dục phổ thông cho trên 15 nghìn lượt giáo viên. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị thực hiện cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia những chương trình bồi dưỡng, tập huấn do các bộ, ngành tổ chức. Qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Xác định rõ nội dung, trách nhiệm của các cấp, ngành trong tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục thực hiện mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội về công tác dân tộc.

Cùng với đó là phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt công tác dân tộc. Trong đó, Ban Dân tộc là đơn vị chủ trì, triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc và kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc.

Đây chính là nền tảng để nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS nói riêng, cán bộ làm công tác dân tộc nói chung của tỉnh…