Phần lớn người cao tuổi (NCT) ở nước ta lâu nay phải "đối mặt" với nhiều loại bệnh tật, sức khỏe suy giảm… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội. Để NCT sống vui, sống khỏe, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, của các thành viên trong mỗi gia đình.
Người cao tuổi phường Hương Sơn (TP. Thái Nguyên) được khám sức khỏe miễn phí tại Trạm Y tế phường. |
Ông Ma Khắc Thịnh, xóm Thẩm Lộc, xã Bình Yên (Định Hóa), là một trong 100 NCT của xã được khám tổng quát miễn phí và tư vấn cách chăm sóc sức khỏe nhân dịp Quốc tế Người cao tuổi hôm 1-10 vừa qua, phấn khởi chia sẻ: Nhiều năm qua, năm nào, tôi cũng được đi khám sức khỏe tại xã 1 lần. Năm nay, tôi được các bác sĩ Bệnh viện huyện khám và được tặng 1 gói thuốc; Hội Chữ thập đỏ huyện tặng 1 phần quà. Tôi có thẻ bảo hiểm cựu chiến binh nên được hưởng chế độ khám, chữa bệnh 100%. Điều này giúp việc chăm sóc sức khỏe của tôi thêm thuận lợi, bớt gánh nặng mỗi khi đau ốm.
Bà Nguyễn Thị Chung, 75 tuổi, phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên, nói: Mặc dù tôi bị một số bệnh như tuyến giáp, huyết áp, mỡ máu, nhưng nhờ được khám định kỳ hàng tháng và uống thuốc theo đơn của bác sĩ nên sức khỏe ổn định. Ngoài ra, năm nào tôi cũng được mời đến trạm y tế phường khám sức khỏe miễn phí từ 1-2 lần. Nhờ vậy, tôi biết được những nguy cơ đối với một số bệnh để đề phòng, trong đó có tiểu đường, tim mạch và biết cách điều chỉnh chế độ, thời gian ăn uống, luyện tập để duy trì sức khỏe.
Thực tế cho thấy, NCT thường phải đối diện với gánh nặng bệnh tật và mắc các bệnh mạn tính. Theo thống kê của cơ quan y tế, bình quân mỗi NCT của nước ta mắc 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng với già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với NCT và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức. Điều này đã và đang làm giảm chất lượng sống NCT, là gánh nặng an sinh lẫn kinh tế cho toàn xã hội.
Thái Nguyên hiện có trên 200 nghìn người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 15% dân số của tỉnh. Những năm qua, tỉnh có nhiều chính sách, hoạt động cụ thể quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe NCT. Trong đó đáng kể nhất phải kể đến chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và huy động từ các tổ chức, cá nhân trong việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho NCT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sinh sống ở những khu vực có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhờ đó, đến nay trên 96,6% NCT có thẻ bảo hiểm y tế, tăng 2,7% so với năm 2020; trên 14,3 nghìn NCT hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng…
Đại diện Hội Chữ thập đỏ huyện Định Hóa tặng quà người cao tuổi xã Bình Yên nhân dịp Quốc tế Người cao tuổi năm 2024. |
Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 150/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Chăm sóc sức khỏe NCT” trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 với mục tiêu “Chăm sóc, nâng cao sức khỏe NCT bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030”.
Theo đó, nhiều mục tiêu cụ thể được đưa ra đã và đang được các cấp, ngành, địa phương cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, như: 60% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; 95% NCT được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe vào năm 2025 (đạt 100% năm 2030). 70% NCT được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...) vào năm 2025 (đạt 90% năm 2030). 100% NCT khi bị bệnh được khám và điều trị. Duy trì 100% NCT cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được khám và điều trị tại nơi ở...
Để hiện thực hóa mục tiêu này, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của tất cả các địa phương và các sở, ban, ngành liên quan. Trong đó, Sở Y tế giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, đáp ứng các mục tiêu đề ra; đồng thời hướng dẫn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị liên quan và các địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch.
Theo bác sĩ Lưu Thị Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế: Để công tác chăm sóc sức khỏe NCT đạt mục tiêu, kế hoạch mà tỉnh đề ra, thời gian tới cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ngành, đoàn thể trong công tác chăm sóc sức khỏe NCT. Làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi, tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe NCT. Các cơ sở y tế trên địa bàn cần tổ chức tốt việc tư vấn, cung cấp kiến thức rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh mạn tính và các bệnh thường gặp ở NCT; hướng dẫn kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe; phục hồi chức năng NCT tại cộng đồng; thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ, quản lý có hiệu quả một số bệnh thường gặp ở NCT.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, việc chăm sóc sức khỏe NCT của tỉnh trong thời gian tới chắc chắn sẽ đạt được những kết quả cao hơn, tạo điều kiện để NCT được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và tiếp tục phát huy kinh nghiệm sống, uy tín, tiềm năng trí tuệ...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin