Hóa giải những mâu thuẫn phát sinh ngay tại cơ sở, hạn chế khiếu kiện, thúc đẩy hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật là kết quả hoạt động tích cực của các tổ hòa giải (THG) cơ sở ở huyện Định Hóa thời gian qua. Nhờ đó, nhiều khúc mắc, kế cả trong nội bộ gia đình, làng xóm được hóa giải sau khi THG “vào cuộc”; tình làng, nghĩa xóm ở nhiều cộng đồng dân cư được củng cố, tăng cường…
Tổ hòa giải xóm Bản Mới cùng cán bộ tư pháp xã Kim Phượng (Định Hóa) tiếp nhận đơn thư của công dân và hòa giải tại chỗ. |
Bà Vi Thị T. (ở xóm Cạm Phước, xã Kim Phượng, Định Hóa) và chồng phát sinh mâu thuẫn, khi bà không đồng tình cho chồng thường xuyên tham gia "hội nhóm" uống rượu, bia quá đà, mất kiểm soát hành vi. Hai vợ chồng có nguy cơ không thể chung sống trong lúc tuổi đã gần 60. Nắm bắt được sự việc, ông Quản Văn Bảy, Tổ trưởng THG xóm, đã đến khuyên can, động viên gia đình giữ hòa khí, hàn gắn mối đoàn kết, chăm sóc nhau lúc tuổi già…
Ông Bảy cùng 6 thành viên THG đã tìm cách vận động các thành viên hội nhóm của chồng bà T. sinh hoạt văn minh, không để rạn nứt tình cảm gia đình, động viên nhau tích cực làm ăn, có lối sống lành mạnh. Mỗi chiều, THG phân công nhau vận động các thành viên này tham gia luyện tập thể thao, văn nghệ, lao động công ích cùng làng xóm, tránh xa các tệ nạn. Dần dần, mọi mâu thuẫn qua đi... Bà T. đến xã xin rút đơn tố cáo chồng bạo hành mình...
Ông Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng, chia sẻ: Mọi chuyện mâu thuẫn, tranh chấp tại cơ sở dù rất nhỏ, khi các bên không ai chịu ai, không làm chủ được cảm xúc, tâm lý sẽ trở thành chuyện lớn. Những lúc như vậy rất cần sự vào cuộc của THG cơ sở. Xã có 14 THG cơ sở với hơn 100 thành viên, tổ trưởng THG đều là những người có uy tín trong cộng đồng và hiểu biết về pháp luật, nên khi có “sự việc” phát sinh là các thành viên THG vào cuộc ngay từ đầu, không để tình trạnh “bằng mặt, không bằng lòng”. Vì vậy, gần 5 năm qua, xã không có vụ việc nào hòa giải không thành công.
Theo ông Ma Công Trình, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Định Hóa: THG cơ sở hoạt động hiệu quả phải bắt đầu từ việc xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở. Mỗi hòa giải viên phải thật sự là người có uy tín, gương mẫu và trách nhiệm với cộng đồng. Huyện bắt đầu xây dựng mô hình điểm từ năm 2018 tại xã Kim Phượng, đến nay có 228 THG với trên 1.600 thành viên. Hằng năm, các THG được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức hòa giải, kiến thức pháp luật. Số vụ việc phải hòa giải giảm dần qua các năm. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện chỉ có 49 vụ, trong đó đã hòa giải thành công 42 vụ việc. Hầu hết việc hòa giải thành công bắt đầu ngay tại cơ sở và có sự vào cuộc tích cực của THG xã, xóm cùng các thành viên. Đây cũng là một kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở của huyện Định Hóa thời gian qua.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin