Ngày 1-10 là một ngày rất đặc biệt đối với 107 phạm nhân chấp hành án tại Trại giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an) - ngày họ được đặc xá, trở về với cuộc sống đời thường. Hôm ấy, thời tiết như chiều lòng người. Vòm trời cao rộng, nắng vàng trải dài. Bước chân ra khỏi cánh cổng trại giam, lòng người đã chấp hành xong án phạt tù tràn ngập niềm vui: Bầu trời xanh bao la, vòng tay bao dung của gia đình đang chờ đón.
Các phạm nhân được đặc xá nhận quần áo trước khi trở về với gia đình. Ảnh: L.K (T.L) |
Hơn 6.300 phạm nhân ở Trại giam Phú Sơn 4 có người phạm tội vì thiếu hiểu biết pháp luật, có người vô tình gây án, có người phạm tội nghiêm trọng… Nhưng, họ đều được các cán bộ Trại giam giải thích để hiểu về lỗi lầm, hậu quả của hành vi phạm tội do mình gây ra, từ đó có ý thức chấp hành án, cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng.
Năm nay, Trại giam Phú Sơn 4 có 107 phạm nhân được nhận Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước trở về tái hòa nhập cộng đồng. Niềm vui ngời lên trong ánh mắt nhiều người.
Khi biết tin mình có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá đợt này, phạm nhân Đỗ Quốc Hùng (sinh năm 1963, quê Hà Nội) tâm sự: Tôi đã phạm tội cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam. Đến nay, tôi đã chấp hành án được 4 năm và may mắn đủ điều kiện đặc xá năm 2024. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã khoan hồng, rộng lượng với những người lầm lỗi như chúng tôi.
Là một trong những phạm nhân cải tạo tốt, nhiều lần được giảm án và được đặc xá năm 2024, phạm nhân Hà Văn Thuyết (sinh năm 1990, quê ở huyện Định Hóa) không giấu được sự xúc động: Do thiếu hiểu biết về pháp luật, tôi đã phạm tội về kinh tế và phải chịu mức án 18 năm tù khi mới 19 tuổi. Vì vậy, nhiều lúc tôi suy sụp, cảm thấy cuộc đời rất bế tắc. Sau khi đến Trại giam Phú Sơn 4, tôi nhận thấy cuộc sống chậm lại và bản thân có thời gian để suy nghĩ về lỗi lầm của mình. Được sự động viên của các cán bộ Trại giam, tôi đã nỗ lực rèn luyện, tích cực tham gia cải tạo, lao động. Nhờ đó, tôi được giảm án 4 lần và đặc xá vào năm 2024. Tôi dự định khi trở về với gia đình, trước mắt sẽ giúp người thân làm nông nghiệp và sau đó tìm kiếm công việc ổn định để làm lại cuộc đời.
Cũng như anh Hùng, anh Thuyết, 105 phạm nhân khác được đặc xá đợt này đều là những người có quá trình cải tạo tiến bộ, thể hiện được sự ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình, được Ban lãnh đạo và cán bộ Trại giam đánh giá, ghi nhận.
Các phạm nhân được đặc xá làm thủ tục trở về với gia đình, địa phương. Ảnh: L.K |
Theo Thượng tá Hoàng Thị Thủy, Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4: Trước đó, các cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân tổ chức sinh hoạt đội phổ biến công khai các điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá đến từng phạm nhân. Sau đó, chúng tôi tiến hành rà soát phạm nhân đủ điều kiện đặc xá, tổ chức cho phạm nhân viết đơn đề nghị đặc xá, bản cam kết và tiến hành họp đội để bình xét. Việc giới thiệu, thảo luận và bình xét, bỏ phiếu kín những phạm nhân đủ điều kiện trong đội phạm nhân được thực hiện đúng quy định, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, đúng người và đúng pháp luật.
Từ khi biết tin mình sẽ được đặc xá, đêm nào phạm nhân Nguyễn Thị Gấm (sinh năm 1962, quê Hà Nội) cũng mất ngủ. Năm 2019, bà Gấm phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ và chịu án phạt 7 năm tù giam. Gần 5 năm chấp hành án, bà luôn mong ngóng ngày được trở về với gia đình. Bà nói: Các con tôi đều đã trưởng thành, tôi cũng đã có 4 cháu nội, ngoại. Sau khi trở về, tôi sẽ dành thời gian cho gia đình, chăm lo cho các cháu. Nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục theo nghề gấp giấy bạc làm vàng mã đã học trong Trại giam để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.
Thượng tá Hoàng Thị Thúy, Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4, chia sẻ thêm: Ngoài các hoạt động giáo dục, cải tạo, để giúp phạm nhân sau khi chấp hành án có điều kiện hòa nhập cộng đồng, chúng tôi còn tổ chức nhiều lớp dạy nghề. Trại giam có trung tâm dạy nghề, với nhiều nhóm nghề như: cơ khí, mộc, sản xuất gạch, làm mi giả, làm ruộng… Các phạm nhân cũng được phân loại theo vùng thành thị và nông thôn để được học nghề phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện sau khi ra trại. Tất cả nhằm giúp họ nhanh chóng có công việc, thu nhập sau khi chấp hành xong án phạt tù và không tiếp tục sa ngã.
Chứng kiến những người bạn của mình được đặc xá, phạm nhân Nguyễn Hoàng Anh, đội 20, phân trại số 1, Trại giam Phú Sơn 4, bày tỏ: Khi các anh chị được đặc xá, tôi thấy vui cho họ. Đồng thời tôi cũng củng cố thêm quyết tâm cải tạo tiến bộ, phấn đấu sớm được trở về với gia đình và cộng đồng.
Đặc xá là một chủ trương lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng, khẳng định chính sách khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc ta đối với người phạm tội bị kết án phạt tù. Đồng thời động viên, khuyến khích người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động, cải tạo để được hưởng đặc xá; giúp đỡ người đặc xá ổn định cuộc sống, phấn đấu rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.
Nếu được đặc xá, phạm nhân có thể được về sớm tới một phần ba, thậm chí một nửa mức án đã tuyên. Và đối với họ, 1 ngày được ở ngoài sớm, đồng nghĩa với việc có thêm 1 ngày để thay đổi, có cơ hội để thực hiện tiếp ước mơ của mình...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin