Phát huy hiệu quả công tác và các chính sách dân tộc

Thảo Nguyên (Thực hiện) 17:40, 22/10/2024

Nhân dịp Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc trao đổi với ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, về những kết quả đạt được trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024; giải pháp trong thời gian tới.

Ông Trần Văn Hồ, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) là người uy tín, tích cực đi đầu trong mọi phong trào và luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào người Mông ở địa phương.
Ông Trần Văn Hồ (Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Lân Quan, xã Tân Long, Đồng Hỷ) là người uy tín, tích cực đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương.

P.V: Ông có thể đánh giá những nét chính về kết quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2024?

Ông Phan Đức Cường: Thái Nguyên có diện tích tự nhiên trên 3.526km2, dân số gần 1,3 triệu người, gồm 51 dân tộc anh em. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm gần 30%, sinh sống chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ và Đại Từ.

Những năm qua, công tác dân tộc đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; các chính sách dân tộc tác động đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, phát huy được sự sáng tạo của người dân và toàn xã hội, làm thay đổi cơ bản diện mạo khu vực nông thôn vùng DTTS và miền núi của tỉnh, đời sống của đồng bào DTTS từng bước cải thiện.

Một số kết quả nổi bật như: Giai đoạn 2019-2020 đã giải ngân 556,2 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương và của tỉnh theo Chương trình 135, đầu tư xây dựng hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, có 122 mô hình, dự án đã được phê duyệt; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 3.683 hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, với tổng kinh phí 43,1 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn lồng ghép, vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2024 là 8.664 tỷ đồng. Toàn tỉnh tập trung xây dựng, cải tạo và nâng cấp trên 2.602km đường giao thông nông thôn; trên 295km kênh mương các loại và 281 công trình thủy lợi; 1.350 công trình trường học, phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ…

Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% xóm thuộc vùng DTTS và miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã được kiên cố hóa; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 96% hộ vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Tỷ lệ hộ nghèo DTTS toàn tỉnh năm 2022 giảm 3.100 hộ (3,36%); năm 2023 giảm 2.635 hộ (2,72%); năm 2024 phấn đấu giảm 3.448 hộ (2%).

P.V: Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn vẫn còn những hạn chế, bất cập. Xin ông cho biết cụ thể?

Ông Phan Đức Cường: Có thể kể đến những hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh như: Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa đồng bộ; kinh tế phát triển không đồng đều giữa các vùng; tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn mức bình quân chung của tỉnh; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; chênh lệch mức sống, giàu nghèo giữa vùng DTTS và miền núi với các đô thị còn lớn; an ninh trật tự vẫn còn tiềm ẩn phức tạp...

Mặc dù nguồn lực phân bổ cho công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiều hơn so với các giai đoạn trước, nhưng tiến độ giải ngân còn chậm, nhất là đối với các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân như: Hỗ trợ nhà ở, phát triển sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm... Đời sống kinh tế của đồng bào DTTS thấp so với mức bình quân chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa thực sự bền vững.

Tuyến đường giao thông thuộc xóm Ba Họ và Đồng Danh, xã Yên Ninh (Phú Lương) có chiều dài trên 5,1km, tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng đã góp phần thúc đẩy giao thương của người dân trên địa bàn.
Tuyến đường giao thông thuộc xóm Ba Họ và Đồng Danh (xã Yên Ninh, Phú Lương) có chiều dài trên 5,1km, tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy giao thương trong khu vực.

Cơ sở hạ tầng một số nơi chưa bảo đảm phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, nhất là hạ tầng công nghệ - thông tin, chuyển đổi số. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, điểm vui chơi giải trí ở vùng đồng bào DTTS tỷ lệ đạt chuẩn còn thấp...

P.V: Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả công tác dân tộc trong thời gian tới, theo ông cần có những giải pháp gì?

Ông Phan Đức Cường: Từ nay đến năm 2029, tỉnh phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS bằng 60% bình quân chung cả nước; 100% xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống dưới 8%; 100% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn; trên địa bàn tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn...

Để đạt mục tiêu trên cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Thực hiện hiệu quả các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Ngăn chặn có hiệu quả việc lợi dụng vấn đề dân tộc, lợi dụng vấn đề tôn giáo, truyền đạo trái phép, các hoạt động chống phá cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân....

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!