Tiên phong, gương mẫu trên mặt trận mới

Lưu Phượng 07:16, 14/10/2024

Trong giai đoạn 2019-2024, phong trào thi đua “Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu” đã được các cấp Hội CCB trong tỉnh triển khai sâu rộng và đạt hiệu quả cao. Phong trào khơi dậy trí tuệ và sức lực của mỗi cán bộ, hội viên đối với sự phát triển chung của tỉnh, nhất là về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Câu chuyện về CCB Trần Văn Lực, xã Phú Đình (Định Hóa) và Hội CCB huyện Phú Lương là những tấm gương cá nhân, tập thể điển hình như vậy.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, cựu chiến binh Trần Văn Lực (thứ 3 từ trái qua), xóm Nạ Tẩm, xã Phú Đình (Định Hoá), còn hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi hươu cho đồng đội.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, cựu chiến binh Trần Văn Lực (thứ 3 từ trái qua), xóm Nạ Tẩm, xã Phú Đình (Định Hoá), còn hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi hươu cho đồng đội.

“Mình giàu, đồng đội cũng phải giàu”

Đó là suy nghĩ của CCB Trần Văn Lực, dân tộc Sán Chay, xóm Nạ Tẩm, xã Phú Đình. Gần 70 tuổi song ông vẫn hăng say làm kinh tế. Nhận thấy chăn nuôi hươu còn khá mới mẻ ở địa phương, ông Lực đã đi tham khảo, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. Năm 2021, ông đầu tư hơn 150 triệu đồng mua 6 con giống hươu sinh sản và hươu lấy nhung.

Quá trình chăn nuôi, ông thấy hươu là loài có sức đề kháng tốt, ít bệnh; thức ăn chủ yếu là cỏ, lá cây, ngô. Sau gần 3 năm, đàn hươu của gia đình phát triển lên thành 16 con. Trong đó, 14 con hươu lấy nhung và 2 con sinh sản. Với hươu lấy nhung, trung bình một năm cho cắt một lần, mỗi lần được khoảng 0,8 lạng/con. Còn hươu sinh sản, mỗi năm ông Lực xuất bán 2 con. Tính riêng nuôi hươu, mỗi năm gia đình thu về từ 150-200 triệu đồng; ngoài ra ông còn nuôi thêm lợn nái sinh sản, gia cầm các loại.

Thấy nuôi hươu mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông vận động và cung cấp giống (theo hình thức trả chậm) cho 4 hội viên trong chi hội cùng nhau phát triển. Được biết, ông Lực có hơn 10 năm làm Chi hội trưởng CCB xóm Nạ Tẩm. Với vai trò này, ông thường xuyên tuyên truyền hội viên và nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Chi hội hiện không còn hội viên là hộ nghèo.

Ông Lực chia sẻ: Bản thân tuổi đã cao nhưng tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa. Tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng đội phát triển kinh tế vì nghĩ đơn giản nếu mình giàu thì đồng đội cũng phải giàu. Ông Lực ấp ủ, tới đây sẽ thành lập mô hình liên kết tổ hợp tác, sau đó là hợp tác xã nuôi hươu để mọi người cùng nhau học hỏi, phát triển.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Hội CCB huyện Phú Lương hiện có gần 6.000 hội viên, sinh hoạt tại 211 chi hội, thuộc 16 tổ chức cơ sở hội. Bằng uy tín và trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, cán bộ, hội viên CCB trên địa bàn đã thực hiện hiệu quả phong trào “Phú Lương chung sức xây dựng NTM năm 2024”.

Chi hội Cựu chiến binh xóm Bầu 1, xã Phấn Mễ là một điểm sáng về phong trào Cựu chiến binh chung tay xây dựng nông thôn mới ở huyện Phú Lương.
Chi hội Cựu chiến binh xóm Bầu 1, xã Phấn Mễ, là một điểm sáng về phong trào "Cựu chiến binh chung tay xây dựng nông thôn mới" ở huyện Phú Lương.

Chi hội CCB xóm Bầu 1, xã Phấn Mễ là một điển hình của huyện. Chi hội có 15/35 hội viên là đảng viên; 70% hội viên kinh tế khá, giỏi, không có hội viên là hộ nghèo. Từ năm 2019 đến nay, hội viên CCB của xóm tham gia hiến trên 1.500m2, góp hàng chục triệu đồng để làm các tuyến đường. Ông Nguyễn Chiến Luỹ, Bí thư Chi bộ xóm Bầu 1 cho biết: Nhờ chung tay góp sức tích cực của CCB, năm 2023, Bầu 1 là xóm đầu tiên của xã Phấn Mễ được công nhận NTM kiểu mẫu.

Ông Bế Văn Kính, Chủ tịch Hội CCB Phú Lương, vui mừng: Khi huyện phát động phong trào “Phú Lương chung sức xây dựng NTM năm 2024”, cán bộ, hội viên CCB đã vào cuộc ngay, chủ động đảm nhận những phần việc như hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công, đối ứng kinh phí, chăm sóc, bảo vệ các tuyến đường. 5 năm trở lại đây, có 257 gia đình hội viên CCB đã hiến hơn 34.000m2 đất các loại và 500m tường bao, đóng góp trên 20.000 ngày công lao động, hơn 4,2 tỷ đồng làm đường và công trình phúc lợi xã hội.

Bên cạnh đó, toàn hội thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 34 mô hình “Chi hội CCB tự quản bảo vệ môi trường”; trồng và chăm sóc tuyến đường cây xanh, tuyến đường hoa với tổng chiều dài 5,1km, dọn dẹp vệ sinh môi trường hằng tháng. Thực hiện phong trào “xóa nhà tạm, nhà dột nát”, toàn hội hỗ trợ tiền xây mới 23 nhà, sửa 3 nhà cho hội viên nghèo.

Để giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, các cấp hội trên địa bàn đã triển khai các hoạt động như giới thiệu việc làm; giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; xây dựng Quỹ “Góp vốn xoay vòng” để hội viên vay với lãi suất thấp; giúp nhau ngày công lao động, cây, con giống, mở lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp...

Điều này đã giúp hội viên có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Đến nay, toàn Hội có 12 doanh nghiệp, 35 trang trại, gia trại và 170 hộ kinh doanh dịch vụ do hội viên CCB làm chủ. Các mô hình trên đã giải quyết việc làm cho gần 500 lao động tại chỗ, mức thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. 

Những điền hình tập thể, cá nhân ở trên đã chứng minh, dù trên bất cứ mặt trận nào CCB luôn là những tấm gương sáng để các thế hệ sau học tập, noi theo; góp phần giúp uy tín và vị thế của Hội CCB ngày càng được khẳng định.